Văn hóa, du lịch

Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số

Thứ bảy, 10/12/2022 | 15:50 GMT+7
Sau 2 năm triển khai, đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã góp phần tôn vinh, nâng cao lòng tự hào, ý thức bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Được biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đã tiến hành khảo sát, kiểm kê, đánh giá trang phục truyền thống của các dân tộc Tày, Nùng, Sán Chay, Mông, Dao tại 63 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố còn lưu giữ được trang phục truyền thống để nhận diện về trang phục. 

Trong 2 năm triển khai đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện Ba Bể, Pác Nặm và thành phố Bắc Kạn xây dựng được 3 cụm pano tuyên truyền về trang phục truyền thống dân tộc thiểu số; phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bắc Kạn lựa chọn 8 thôn thuộc 8 huyện, thành phố để tổ chức tập luyện, trình diễn trang phục truyền thống lồng ghép trong chương trình văn nghệ chào mừng Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc năm 2022, qua đó tạo thêm động lực, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa của địa phương.

Tổ chức nhiều hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc truyền thống trong cộng đồng dân tộc thiểu số

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, lưu giữ trang phục truyền thống dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn do nguồn kinh phí được cấp cho công tác khảo sát, kiểm kê, bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống còn hạn chế. Chi phí để tự dệt, may một bộ trang phục truyền thống có giá thành cao, mất nhiều thời gian, trong khi một bộ trang phục thông thường giá thành rẻ và phù hợp với xu thế và giới trẻ hiện nay.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Kạn Nguyễn Văn Chương, để tiếp tục bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống tại các địa phương, thời gian tới, cần tiếp tục tuyên truyền các chủ trương của Đảng và Nhà nước về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc để người dân trên địa bàn luôn nhận thức được việc bảo tồn phát huy trang phục truyền thống của dân tộc mình là việc làm cần thiết. Cần có chính sách, biện pháp khôi phục và bảo tồn nghề dệt, may trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc đang ngày càng mất đi vị trí, vai trò trong cộng đồng các dân tộc thiểu số, mất đi những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, bản sắc văn hóa tộc người. Gắn việc khôi phục các làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là phát triển du lịch tại địa phương.

Bên cạnh đó, cùng với ban hành các quy định, nên khuyến khích học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn mặc trang phục truyền thống vào ngày đầu tuần, ngày lễ... nhằm góp phần bảo tồn, phát huy tốt giá trị của trang phục truyền thống trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Tuyên truyền, giáo dục, tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy nghề cắt may trang phục truyền thống cho học sinh.

Tăng cường tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa cộng đồng như biểu diễn văn nghệ dân gian, trình diễn trang phục dân tộc, hoạt động lễ hội... nhằm khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi để đồng bào có điều kiện, cơ hội phát huy nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc mình. Khuyến khích địa phương mở quầy bán trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số để phục vụ nhu cầu của bà con nhân dân cũng như khách du lịch…

Lâm Bảo (T/H)