Thành phố Tân Uyên được thành lập trên cơ sở toàn bộ 191,76 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 466.053 người của thị xã Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương.
Hiện nay, Tân Uyên có cơ cấu kinh tế công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp với tỉ trọng tương ứng lần lượt là 64,17% - 34,6% và 1,23%.
Về công nghiệp, thành phố có 5 khu, cụm công nghiệp, thu hút 1.866 doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đăng ký là 32.560,507 tỷ đồng và 637 doanh nghiệp nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 5,2 tỷ USD.
Tân Uyên là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa của Bình Dương. Với việc thành lập thành phố Tân Uyên, Bình Dương có 4 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và Tân Uyên; 1 thị xã (Bến Cát); 4 huyện: Phú Giáo, Bàu Bàng, Dầu Tiếng và Bắc Tân Uyên.
Tân Uyên từng bước phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, có bản sắc riêng với điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động
Tân Uyên đã nỗ lực phấn đấu trở thành thành phố trước 2 năm so với mục tiêu của Đảng bộ tỉnh Bình Dương đề ra và sẽ tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại II vào năm 2025.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, đề án nâng Tân Uyên lên thành phố đã được tỉnh chuẩn bị nhiều năm. Từ hơn 10 năm qua, nơi đây phát triển nhanh, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13%/năm. Công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm 90% cơ cấu nền kinh tế, thu ngân sách khoảng 4.000 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu tập trung xây dựng Tân Uyên trở thành một đô thị với kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, văn minh, hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh; từng bước phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh, có bản sắc riêng với điểm nhấn của một đô thị trẻ, năng động, khẳng định được vai trò là trung tâm công nghiệp trọng điểm của tỉnh Bình Dương; đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ.