Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Nghị quyết 55 giải quyết bài toán cân đối cung cầu năng lượng

Thứ hai, 24/2/2020 | 14:33 GMT+7
Trao đổi với báo chí về nội dung của Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được Bộ Chính trị ban hành, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Nghị quyết 55 được xem là bước đột phá trong phát triển năng lượng quốc gia đồng thời giải quyết bài toán cân đối cung cầu năng lượng trong thời gian tới.

Thưa Bộ trưởng, năng lượng là ngành cốt lõi của phát triển công nghiệp. Vậy Bộ trưởng đánh giá thế nào về những kết quả đạt được của ngành năng lượng trong những năm qua?

Nói về tổng thể chung trong nền kinh tế, ngành năng lượng có 2 vai trò rất quan trọng: thứ nhất, bản thân ngành công nghiệp năng lượng cũng là một trong những cấu thành trong các ngành công nghiệp có đóng góp to lớn cho phát triển công nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung. Đặc biệt, thông qua vai trò của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực năng lượng, tạo nên nền tảng cho năng lượng đóng góp chung cho phát triển kinh tế của Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh

Như trong giai đoạn 10 năm (2007 – 2017) của Chiến lược phát triển năng lượng, doanh nghiệp của Việt Nam tăng trưởng rất nhanh chóng. Minh chứng cho thấy, giá trị sản xuất trong ngành năng lượng trong 10 năm tăng lên 6 lần, tổng sản lượng điện cũng tăng hơn 3,3 lần, trong đó, sản lượng điện tiêu thụ phục vụ cho người dân cũng tăng 2,88 lần. Rõ ràng, những doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng cấu thành trong ngành công nghiệp năng lượng, đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế xã hội. Năm 2018, các doanh nghiệp này đóng góp vào thu ngân sách nhà nước lên đến 204 ngàn tỷ đồng, chiếm 17,8% thu ngân sách nhà nước.

Thứ hai, đây cũng là chiến lược quan trọng, năng lượng luôn là hạ tầng thiết yếu, vô cùng quan trọng cho các ngành kinh tế. Không chỉ đảm bảo những điều kiện thiết yếu cho hoạt động sản xuất vật chất của nền kinh tế, cũng như đời sống xã hội của người dân về điện năng, mà ngành điện cũng như các ngành năng lượng nói chung còn là hạ tầng quan trọng để đảm bảo đầu vào và ổn định cho sản xuất vật chất của các phân ngành trong công nghiệp. GDP tăng trưởng từ 6,5 - 7%/năm thì yêu cầu phát triển điện năng phải đảm bảo tương ứng 11 - 11,5%/năm tùy vào kịch bản tăng trưởng từng năm. Chính hạ tầng điện và hạ tầng năng lượng đã tạo nên nền tảng để duy trì tốc độ tăng trưởng rất cao trong suốt thời gian dài vừa qua, đóng góp vào mục tiêu phát triển đất nước theo chiến lược của Đảng.

Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xin Bộ trưởng đánh giá tác động của hiệu quả của Nghị quyết này đối với ngành năng lượng trước bối cảnh chúng ta có thể thiếu hụt nguồn cung trong thời gian hiện tại và sắp tới?

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị ban hành mới đây có ý nghĩa rất to lớn, đặc biệt là đúng thời điểm bởi năm 2020 là năm cuối cùng trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, cũng như chiến lược xây dựng kế hoạch phát triển đất nước trong 10 năm tới.

Nghị quyết này ra đời vào thời điểm này có ý nghĩa khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, toàn cầu hóa bước vào giai đoạn quyết liệt. Bên cạnh đó, phải kể đến sự phát triển của đất nước trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã thực sự vượt qua các nước kém phát triển, trở thành nước đang phát triển. Cùng với sự phát triển của các ngành kinh tế, trong đó có các ngành công nghiệp, Việt Nam cũng đang bắt đầu chuyển biến và trở thành nước phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu bởi năng lượng sơ cấp phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và được khai thác ở mức rất cao.

Với bối cảnh cục diện chung của khu vực và toàn cầu, Việt Nam cần phải có chiến lược mới về năng lượng được đặt chung trong tổng thể về chiến lược phát triển kinh tế. Từ đó có những quyết sách và giải pháp đảm bảo yếu tố bền vững không chỉ cho an ninh năng lượng quốc gia, mà còn liên quan đến an ninh quốc gia và các vấn đề địa chính trị, chính trị đối ngoại của toàn cầu.

Vấn đề khác cần đề cập tới đó là Chiến lược năng lượng quốc gia này được đưa ra khi trình độ phát triển của Việt Nam đang được cải thiện và tiếp tục nâng cao hơn nữa. Nhưng các khuôn khổ luật pháp và quy định chính sách cho thấy, sau một thời gian phát huy hiệu quả đã có những bất cập và tồn tại, đang trở thành những trở lực cho phát triển về năng lượng và an ninh năng lượng, cũng như phục vụ cho vấn đề phát triển bền vững của đất nước. Hơn bao giờ hết, an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia đang cần những quan điểm tiếp cận mới, định hướng, nền tảng quan trọng, phù hợp, đáp ứng với chuyển biến chung của toàn cầu, từ đó định vị và xác định đúng những nguyên tắc trong phát triển an ninh năng lượng quốc gia.

Theo tôi, trong một thế giới đang ngày càng phục thuộc lẫn nhau, câu chuyện an ninh năng lượng và năng lượng quốc gia cần nhìn từ góc độ tổng thể hội nhập và trình độ phát triển của quốc gia đó. Ngay cả câu chuyện của các doanh nghiệp, loại hình doanh nghiệp hay vai trò của doanh nghiệp, từ doanh nghiệp nhà nước đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân và các nguồn lực khác của xã hội trong các vấn đề phát triển năng lượng và những nền tảng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia là những vấn đề then chốt và có ý nghĩa, để phục vụ cho phát triển toàn diện và bền vững của đất nước.

Trong Nghị quyết 55 có đề cập tới nội dung khuyến khích tư nhân tham gia xã hội hóa phát triển năng lượng. Bộ trưởng có gợi mở gì về vấn đề này từ thực tiễn kết quả thu hút tư nhân trong thời gian qua?

Thực tế, trong thời gian vừa qua, trong chiến lược về năng lượng và chính sách phát triển năng lượng kể cả trong lĩnh vực điện năng và dầu khí, than đã có dấu ấn tích cực trong việc huy động các nguồn lực của xã hội, đặc biệt là tư nhân. Đơn cử như trong lĩnh vực điện năng, đã có 28% tổng công suất phát, công suất nguồn đến từ các doanh nghiệp tư nhân dưới các hình thức đầu tư đa dạng, có hiệu quả. Ví dụ, các dự án điện dưới hình thức hợp đồng BOT, IPP (các nhà đầu tư nguồn điện độc lập)… trong lĩnh vực dầu khí ngoài hợp đồng PSC (hợp đồng phân chia sản phẩm), hợp đồng điều hành thăm dò... còn cho phép các doanh nghiệp (DN) tham gia rất sâu trong các chuỗi trong nước và khu vực. Khu vực tư nhân với hàng loạt các cơ chế chính sách của nhà nước cũng tạo dựng thế đứng của mình trong các lĩnh vực quan trọng của năng lượng kể cả dầu khí, điện, than. Điều dễ thấy là chỉ có một số cơ chế, chính sách mới như: cơ chế giá cho điện mặt trời (Quyết định số 11/207/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam) hay giá cho điện gió (Quyết định Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10/9/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam) đã chứng minh được tiềm năng rất lớn của khu vực tư nhân trong tham gia phát triển ngành điện.

Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị không chỉ nêu ra định hướng quan trọng, những nguyên tắc, mục tiêu để tiếp tục xóa bỏ rào cản, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch thông thoáng cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân, để tham gia vào lĩnh vực có tiềm năng trong phát triển năng lượng nói chung cũng như điện năng nói riêng. Vấn đề là Nghị quyết 55 còn xác định rõ chiến lược, định hướng phát triển bền vững của năng lượng quốc gia. Từ bối cảnh chung của khu vực và toàn cầu tác động đến Việt Nam ở các khía cạnh, trong Nghị quyết của Bộ Chính trị còn xác định Chiến lược sắp tới cần tập trung phát triển các nguồn năng lượng đa dạng, phù hợp, hợp lý. Đơn cử, phát triển cân đối hàng hóa các nguồn điện, nhưng tập trung khai thác và sử dụng hợp lý, phù hợp các nguồn năng lượng sơ cấp, hóa thạch trong nước vốn đã bị hạn chế. Đồng thời, Nghị quyết cũng xác định rõ cần tiếp tục tập trung ưu tiên phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng điện khí… coi đây là trọng tâm cơ bản. Nghị quyết 55 đã mở ra cơ hội mới, to lớn và rất tiềm năng cho khu vực DN nhất là DN tư nhân trong tham gia phát triển năng lượng. Nghị quyết cũng xác định rõ năng lượng tái tạo cần tiếp tục rà soát, có những cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia.

Qua đó, khẳng định Nhị quyết 55 đã mở ra những cơ hội mới, to lớn và tiềm năng cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đồng thời, mở ra những cánh cửa mới và cho phép chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào một Chiến lược với những cơ chế, chính sách mới, kể cả khung khổ luật pháp, không chỉ Luật Điện lực, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả… mà cả những luật mới như Luật về năng lượng tái tạo cũng được tính toán theo tinh thần của Nghị quyết 55 để định hướng trong phát triển, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Nghị quyết 55 mở ra cơ hội mới cho khu vực tư nhân đầu tư vào năng lượng

Thưa Bộ trưởng, việc đẩy nhanh cổ phần hóa, tái cơ cấu các DN Nhà nước trong lĩnh vực năng lượng cũng là một khâu trong việc thu hút khu vực tư nhân tham gia. Theo đó, lộ trình trong thời gian tới sẽ như thế nào?

Trong suốt thời gian qua, các DN năng lượng lớn của Nhà nước như: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam,Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) đã chứng minh được vai trò thiết yếu và quan trọng của mình trong phát triển năng lượng. Các DN này đã chủ động tái cơ cấu, đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh, hạ tầng quan trọng năng lượng cho đất nước.

Theo đó, tinh thần của Chính phủ không phải tái cơ cấu, cổ phần hóa để giảm bớt vai trò của các DN Nhà nước mà thực hiện trên tinh thần tạo thuận lợi, phát triển kinh tế thị trường, tạo điều kiện cho các nguồn lực xã hội tham gia huy động, phát triển.

Việc tái cơ cấu các Tập đoàn này tiếp tục là chủ trương lớn, tạo điều kiện hình thành các thị trường quan trọng, cơ chế thị trường như điện cạnh tranh… và đó là mục tiêu xuyên suốt của ngành năng lượng. Hiện nay, chúng ta đã thực hiện những bước rất cơ bản trong việc tái cơ cấu ngành điện, hình thành thị trường phát điện cạnh tranh, sau đó là bán buôn điện cạnh tranh, chuẩn bị tiến tới hình thành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.

Như vậy, các công ty sẽ được cổ phần hóa, tạo ra một thị trường điện cạnh tranh, minh bạch để mọi thành phần kinh tế, người dân được hưởng lợi. Nhưng đồng thời cũng tạo nền tảng kinh tế thị trường vận hành hiệu quả, đảm bảo các yếu tố cho những phân ngành kinh tế khác được hạch toán, tính toán đầy đủ.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại trong việc cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty mà vướng mắc nhất liên quan đến hướng dẫn, quy định của luật pháp về giá trị DN và các giá trị của đất đai, khung pháp lý hướng dẫn… Điều này cũng là thực tế vì luật pháp đang tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện nên khó tránh khỏi bất cập. Vì vậy, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung hoàn thiện các văn bản, hướng dẫn cụ thể và hy vọng Nghị quyết 55 góp phần thúc đẩy công tác cổ phần hóa, sắp xếp DN Nhà nước, xây dựng thị trường điện cạnh tranh tiếp tục có những thuận lợi, hiệu quả.

Thưa Bộ trưởng, thời gian tới nếu như các DN cùng tham gia phát triển năng lượng tái tạo từ điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, như vậy nguồn cung rất lớn, Bộ Công Thương đã có kịch bản như thế nào để điều hành hệ thống điện vận hành an toàn, ổn định khi các DN bắt tay vào sản xuất ra điện cung cấp vào lưới điện trong nước?

Đây là một vấn đề nóng và được dư luận quan tâm. Thực tế trong các quy hoạch, kể cả tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh, đều có xây dựng dự báo, quy hoạch cụ thể cho từng trung tâm, từng khu vực. Trong đó đều tính đến sự kết nối của hệ thống và sự đồng bộ giữa các dự án nguồn lực về nguồn điện và các dự án về hệ thống hạ tầng đấu nối vào truyền tải, gồm các trạm biến áp 110kV, 220kV và cũng như hệ thống đường dây. Theo đó, đã tương đối đảm bảo cơ bản vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia cũng như huy động tối đa nguồn điện đầu tư hợp lý đảm bảo nhu cầu cân đối điện trong suốt thời gian qua.

Mặc dù, thời gian qua chúng ta đã đảm bảo nhu cầu điện cho phát triển nhanh của nền kinh tế, tuy nhiên giai đoạn gần đây nhất có sự bùng nổ phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời. Từ thực tế trên đã bộc lộ ngay bất cập trong đồng bộ hóa giữa năng lực truyền tải, cụ thể là giải tỏa công suất giữa các nhà máy điện mặt trời đã được phê duyệt và được thực hiện đầu tư.

Vấn đề đặt ra khi chúng ta đẩy nhanh và cố thực hiện những đầu tư phát triển hạ tầng theo quy hoạch, nhưng các dự án điện mặt trời được phê duyệt phát triển trong thời gian qua phần lớn là các dự án điện do khu vực tư nhân đầu tư, các DN ngoài nước và trong nước. Khi DN tư nhân đầu tư để được hưởng những thuận lợi ưu đãi của cơ chế đột phá theo Quyết định 11 của Thủ tướng, vì vậy DN triển khai nhanh không bị vướng quy trình thủ tục pháp lý, nhất là trong lĩnh vực vốn và quản lý các nguồn vốn.

Thế nhưng các dự án hạ tầng của chúng ta trong quy hoạch đã được phê duyệt đều được thực hiện bằng nguồn lực của Nhà nước thông qua vai trò của Tổng công ty Truyền tải điện, công ty điện lực địa phương trực thuộc EVN. Những nguồn lực này đều là nguồn lực của Nhà nước phải chịu sự quản lý chung theo chính sách, pháp luật về quản lý nguồn vốn, ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy quy trình thủ tục, bổ sung quy hoạch, phê duyệt quy hoạch, tổ chức thực hiện quy hoạch và cả quá trình thực hiện đầu tư mất rất nhiều thời gian đây là vấn đề chung cho DN Nhà nước trong tất cả các lĩnh vực chứ không riêng lĩnh vực về điện, theo đó đã gây sự chậm trễ nhất định.

Bên cạnh đó, nguồn lực của EVN của DN Nhà nước cũng bị hạn chế không có đủ điều kiện để huy động đáp ứng được sự bùng nổ của phát triển năng lượng tái tạo và với cơ chế ưu đãi đột phá đó. Chính vì vậy, trong thời gian từ tháng 6/2019, đã có hơn 5.000MW điện mặt trời đã được đầu tư và được đưa vào vận hành ngay trong giai đoạn của cuối 2019. Do hạn chế của hạ tầng và năng lực giải tỏa công suất, đặc biệt cá biệt tập trung vào địa phương có tiềm năng phát triển như Ninh Thuận, Bình Thuận dẫn dến công suất giải tỏa giai đoạn đầu bị hạn chế, thậm chí có thời điểm xuống 40 - 50%/năm công suất.

Với nỗ lực rất tích cực của Bộ Công Thương và ngành điện lực, về cơ bản chúng ta cũng giải quyết được câu chuyện giải tỏa công suất với việc đôn đốc đi vào hoạt động hàng loạt các công trình mới và đẩy nhanh các tiến độ thực hiện dự án và có các giải pháp kỹ thuật giải tỏa công suất, và hiện nay như điện mặt trời đã được giải tỏa công suất lên tới 70 - 80%.

Dự kiến đến tháng 6/2020, về cơ bản sẽ giải tỏa hết công suất của điện mặt trời vốn đã bị đối mặt trước thách thức về câu chuyện hạ tầng. Từ bài học phát triển điện tái tạo và điện mặt trời thời gian qua Bộ Công Thương đã chủ động kiểm tra, khảo sát, đánh giá và bàn bạc với các địa phương để chúng ta thống nhất một số nguyên tắc, một số biện pháp, giải pháp. Cụ thể, tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy nhanh hơn nữa tốc độ đầu tư và quy mô đầu tư cho lĩnh vực hạ tầng điện để đảm bảo năn lượng tái tạo công suất lớn hơn, đặc biệt là khu vực có nhiều tiềm năng như miền Trung, Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nam Bộ.

Với các nhà đầu tư tăng nhanh chóng như vậy, áp lực giải tỏa điện thông qua hệ thống truyền tải rất lớn, nên việc rà soát lại trong các quy hoạch nhất là tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh trên cơ sở đánh giá năng lực thực tế tại các khu vực phát triển điện tái tạo để sớm bổ sung vào quy hoạch những dự án quan trọng thiết yếu, dự án truyền tải điện cũng như các trạm đảm bảo hài hòa cho các khu vực là biện pháp đầu tiên.

Thứ hai, thống nhất với EVN để xác định các giải pháp tập trung huy động nguồn lực đẩy nhanh nhất các dự án đầu tư trong hệ thống truyền tải, đảm bảo vai trò của các Tổng công ty truyền tải điện, điện lực địa phương; đảm bảo yếu tố đấu nối kỹ thuật sự vận hành an toàn suôn sẻ của hệ thống, giải tỏa tối đa công suất cho các nguồn điện mới đầu tư.

Thứ ba, chúng tôi thống nhất với địa phương đang nghiên cứu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho tiếp tục triển khai cơ chế thí điểm nhà các nhà đầu tư tư nhân đầu tư cho các dự án điện tái tạo có quy mô tương đối lớn, các nhà đầu tư có thể cùng phối hợp với nhau xây dựng hệ thống đường dẫn, trạm cần thiết để đảm bảo năng lực đấu nối với truyền tải điện quốc gia.

Thưa Bộ trưởng, theo ông, việc quan trọng mà Chính phủ và các bộ, ngành cần làm là gì để được triển khai đúng tinh thần Nghị quyết của Trung ương. Bộ Công Thương sẽ có những bước chuẩn bị và kế hoạch triển khai cụ thể nào?

Đây là một Nghị quyết mà những nội hàm rất rộng và nội dung rất quan trọng đề cập đến tất cả các cấp độ, khía cạnh. Chính vì vậy, chúng ta phải nói rằng Nghị quyết 55 sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đóng góp và xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị Đại hội Đảng năm 2021.

Để đưa Nghị quyết vào cuộc sống, Bộ Công Thương cũng xác định rất rõ ý nghĩa tầm vóc của Nghị quyết. Việc đầu tiên cần triển khai là nghiên cứu học tập và quán triệt đầy đủ các tinh thần ý nghĩa và phạm vi, nội dung cũng như các khía cạnh cụ thể trong Nghị quyết, nhất là những vấn đề tác động và tiếp tục mở ra, đặt ra những nhiệm vụ mới trong lĩnh vực liên quan. Để làm được việc đó, rất cần có những chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ, các chương trình, tổ chức trong hệ thống chính trị để triển khai Nghị quyết. Dưới góc độ là đầu mối để Chính phủ tham mưu trong lĩnh vực này, Bộ Công Thương sẽ sớm xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết để báo cáo Ban cán sự Đảng, xây dựng thành Chương trình hành động của Chính phủ.

Nhưng có những việc sẽ phải triển khai sớm, thậm chí chưa có chương trình hành động, chúng ta đã phải quán triệt và nghiên cứu để sớm có những giải pháp thực hiện: như Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII về năng lượng, đồng thời tiếp tục rà soát để bổ sung trong khi chờ đợi Tổng sơ đồ VIII thì Tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh vẫn phải tiếp tục bổ sung. Sơ đồ điện VII làm sao phải trúng và bám sát theo yêu cầu cũng như theo định hướng nguyên tắc của Nghị quyết 55. Đặc biệt trong những nội dung lớn liên quan đến cơ cấu của ngành điện, nguồn điện rồi việc đồng bộ với phát triển hệ thống điện, hạ tầng điện. Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, yêu cầu lớn đảm bảo cơ chế chính sách để tạo ra đột phá cho sự phát triển không chỉ ngành năng lượng mới, năng lượng sạch, năng lượng khí, năng lượng tái tạo mà ngay cả khu vực tư nhân trong lĩnh vực này.

Như nói ở trên, Quyết định 11 và Quyết định 39 chẳng hạn đó là những thí điểm Bộ Công Thương đã làm tốt, vậy Nghị quyết 55 ra đời sẽ vận hành như thế nào nhất là khi năm 2021 và những năm tiếp theo chúng ta vẫn còn tiếp tục căng thẳng trong nhu cầu điện năng, cần phải vận dụng và triển khai ngay Nghị quyết này giải quyết bài toán cân đối cung cầu điện trong những năm tới đây. Bộ Công Thương sẽ tính toán ngay trong chiến lược những quy hoạch mang tính dài hạn, nhưng có những nhiệm vụ cấp bách cần phải xử lý ngay lập tức.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cùng đoàn công tác thị sát tại trạm biến áp 220kV Đông Hà - Quảng Trị

Chuyến công tác của Bộ trưởng tại 3 tỉnh Kon Tum, Gia Lai và Quảng Trị ngày 20 và 21/2 có thể hiểu là bước đi đầu tiên mà Bộ Công Thương tiến hành nhằm cụ thể hoá và quán triệt tinh thần Nghị quyết 55, thưa Bộ trưởng?

Chuyến công tác của chúng tôi đến các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên vừa qua từ cơ sở để phục vụ triển khai cụ thể ngay lập tức trong thời điểm này những yêu cầu của Nghị quyết 55 Bộ Chính trị đề ra. Theo đó, chúng tôi có rất nhiều vấn đề lớn báo cáo Chính phủ để có hướng xử lý bằng cơ chế chính sách cụ thể để phát triển năng lượng tái tạo có hiệu quả. Đồng thời, xây dựng cơ cấu nguồn điện phát hài hòa hợp lý trong đó tính toán được bài toán giải quyết ngay trước mắt đầu tư cơ sở hạ tằng cho những trung tâm điện khí lớn và rà soát ngay để có định hướng điều chỉnh lại trong tổng sơ đồ điện VII hiệu chỉnh với các nhà máy điện than tập trung. Cụ thể, tập trung cho nhà máy nhiệt điện than có công suất lớn tổ máy lớn, công nghệ hiện đại thân thiện với môi trường.

Qua kiểm tra, chúng tôi nhìn nhận miền Trung và Tây Nguyên có tiềm năng, thế mạnh rất rõ nét trong phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời.

Đối với điện gió và điện mặt trời, 2 tỉnh như Quảng Trị và Gia Lai có tốc độ gió đo được nhất nhì ở Việt Nam. Tiềm năng gió, sức gió trong một năm ở khu vực này rất có ưu thế. Điện năng mặt trời ở Tây Nguyên và Quảng Trị cũng là những vùng tương đối thuận lợi. Mặc dù, không cao như vùng Ninh Thuận và Bình Thuận, nhưng là vùng có bức xạ nhiệt của mặt trời tương đối tốt, thuận lợi cho phát triển điện mặt trời. Lấy ví dụ như điện gió, mô hình của Quảng Trị và Gia Lai thực hiện rất tốt, câu chuyện điện gió và nông nghiệp, nông nghiệp hữu cơ đều phát triển đồng thời gắn với loại hình khác như du lịch và dịch vụ có thể nói là sự kết hợp rất hiệu quả.

Để thực hiện tốt Nghị quyết, chắc chắn phải có những tìm hiểu, nghiên cứu từ thực tiễn, những vấn đề mới phát sinh. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tỉnh Tây Nam Bộ như: Long An, Bến Tre, Sóc Trăng... để nắm bắt thêm các vấn đề, từ đó có hướng vận dụng và quán triệt tinh thần Nghị quyết 55, giải quyết nhiệm vụ trước mắt cũng như hướng lâu dài cho phát triển năng lượng.

Xin trân trọng cám ơn Bộ trưởng!

Theo congthuong.vn