Năng lượng sạch

Cần cơ chế đủ mạnh để phát triển năng lượng tái tạo

Thứ năm, 24/3/2016 | 16:21 GMT+7
Sáng nay (24/3), tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Phát triển năng lượng - Biến đổi khí hậu - Tăng trưởng Xanh: nỗ lực và khoảng trống tại Việt Nam” do Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) tổ chức.

Toàn cảnh hội thảo

Tham dự có đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức quốc tế, các hiệp hội và đông đảo chuyên gia năng lượng, môi trường trong và ngoài nước.

Đại diện Ban tổ chức cho biết, hội thảo nhằm tạo cơ hội để các bên liên quan cùng thảo luận, đóng góp các ý kiến và khuyến nghị cho quy hoạch và phát triển năng lượng tái tạo và nhiệt điện than theo hướng bền vững hơn trong mối liên hệ với Chiến lược Tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu của Việt Nam.

Tại hội thảo, sau khi nghe các đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Phát triển Năng lượng - Bộ Công Thương, Cục khí tượng và thủy văn và Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường trình bày về các nội dung liên quan đến chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Hiệp định Paris về khí hậu và những việc cần thực hiện tại Việt Nam cũng như những thông tin cơ bản về Quy hoạch điện 7 điều chỉnh...các đại biểu đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp để phát triển ngành năng lượng Việt Nam bền vững, vừa đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế, sinh hoạt của nhân dân, vừa giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.  

Theo ước tính của Bộ Tài nguyên và Môi trường, phát thải khí nhà kính của chỉ riêng việc đốt nhiên liệu trong ngành sản xuất năng lượng (nhiêt điện) của Việt Nam chiếm tới 31,1% tổng phát thải khí nhà kính năm 2020 và lên đến 51% tổng phát thải khí nhà kính năm 2030. Theo phương án cơ sở của Quy hoạch điện 7 vào năm 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 56% công suất dự báo và 62% tổng điện lượng dự báo. Những con số này đang đi ngược với mục tiêu giảm phát thải của Việt Nam. Quy hoạch điện 7 đã được hiệu chỉnh để giảm tỷ trọng nhiệt điện than, tăng cường tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu phát triển nguồn điện.

Về cơ bản, các đại biểu đều có chung ý kiến là cần đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng mặt trời và năng lượng gió; giảm bớt nhiệt điện than. Tuy nhiên để thúc đẩy và đạt được mục tiêu này, Nhà nước cần xây dựng Quy hoạch tổng thể về năng lượng tái tạo, đồng thời đưa ra các cơ chế chính sách cụ thể nhằm thu hút nguồn lực đầu tư.

Nguồn: Báo Công thương