Nông nghiệp sạch

Chè Lâm Đồng không sử dụng chất nhuộm trong chế biến

Thứ hai, 26/6/2023 | 16:10 GMT+7
Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng mới đây khẳng định, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xuất khẩu chè không sử dụng chất nhuộm trong quá trình chế biến. Lâm Đồng là địa phương có diện tích và sản lượng chè cao nhất nước, chiếm 25% về diện tích và 27% về sản lượng.

Không có sản phẩm chè xuất khẩu bị trả lại

Theo cơ quan chức năng, hiện, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có hơn 220 công ty, cơ sở chế biến chè với quy mô gần 50 ngàn tấn/năm, sản lượng chè xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 4,67 ngàn tấn và với giá trị 11,56 triệu USD. Thị trường xuất khẩu chính của chè Lâm Đồng gồm các nước như Đài Loan, Pakistan và Afghanistan.

Được biết, vừa qua, Chính phủ Afghanistan đã thông báo lệnh cấm hoàn toàn nhập khẩu các loại chè của Việt Nam có sử dụng hóa chất nhuộm. Với Pakistan, các cơ quan hữu quan nước này cũng siết chặt các thủ tục kiểm tra chất lượng chè nhập khẩu từ Việt Nam. Đối với tỉnh Lâm Đồng, qua kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng của ngành chức năng tỉnh, tại các doanh nghiệp xuất khẩu chè, kết quả cho thấy trong quá trình sản xuất chế biến, doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt về những yêu cầu kỹ thuật từng công đoạn và hoàn toàn không sử dụng hóa chất nhuộm chè. Kết quả này đã tạo dòng sản phẩm có hương vị tự nhiên, đáp ứng yêu cầu về tiêu chí an toàn thực phẩm của thị trường chung cũng như nhập khẩu đến các nước. Đến nay, không có doanh nghiệp nào của Lâm Đồng bị trả lại sản phẩm chè xuất khẩu.

Thu hoạch chè bằng phương pháp hái tay 

Xây dựng thương hiệu tăng sức cạnh tranh

Thời gian qua, giá trị hàng nông sản nói chung của tỉnh Lâm Đồng tăng trưởng mặc dù tình hình chung nằm trong bối cảnh xuất khẩu phải đối mặt nhiều thách thức của suy thoái kinh tế toàn cầu, lạm phát và đơn hàng sụt giảm. Một trong các yếu tố góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh là việc áp dụng Hệ thống quản lý An toàn thực phẩm FSSC 22000 (Bộ tiêu chuẩn quản lý an toàn thực phẩm do Hiệp hội An toàn thực phẩm chứng nhận đã được 154 quốc gia chấp nhận và là điều kiện bắt buộc khi xuất khẩu nông sản vào thị trường Nhật Bản, châu Âu).

Nhiều sản phẩm chè Lâm Đồng được người dùng rất ưa chuộng 

Lâm Đồng hiện có 4 doanh nghiệp đạt chứng nhận FSSC, và đều là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản hàng đầu. Tỉnh đang tích cực động viên, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chế biến xây dựng FSSC nhằm tăng sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường quốc tế. Giám đốc Công ty TNHH Trà Nai Vàng Trần Đại Bình cho biết, đơn vị đang xây dựng Tiêu chuẩn FSSC mặc dù ngành sản xuất trà không bắt buộc phải xây dựng FSSC. “Tuy nhiên, để khẳng định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, Nai Vàng đang xây dựng FSSC, quyết tâm hướng tới doanh nghiệp có hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm tốt nhất, sẵn sàng cung cấp những sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang những thị trường cao cấp”.

Thu hẹp diện tích nhưng tăng giá trị trên diện tích

Tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Kế hoạch về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trên địa bàn. Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, giá trị xuất khẩu hàng năm từ 8-10%; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 600 triệu USD, tỷ trọng giá trị xuất khẩu nông sản chế biến, chế biến sâu đạt từ 30%. Đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị xuất khẩu hàng năm đạt từ 10-12%; kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt trên 700 triệu USD. Riêng đối với cây chè, năm 2022 có diện tích trên 11 ngàn ha, sản lượng 164.143 tấn; năm 2023, kế hoạch thực hiện gần 11 ngàn ha, sản lượng 162.648 tấn; năm 2025 là 10 ngàn ha, năng suất 153 tạ/ha, sản lượng 151.557 tấn và 2030 diện tích cây chè giảm xuống 8.000 ha nhưng năng suất tăng lên 154 tạ/ha. Đây là định hướng của nền nông nghiệp thu hẹp diện tích sản xuất nhưng tăng hiệu quả về giá trị kinh tế.

Thu hoạch chè bằng thiết bị máy móc

Minh Đạo
: CheLamDong