Nông nghiệp sạch

Nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt

Chủ nhật, 25/6/2023 | 18:24 GMT+7
Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo phát triển hệ thống nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, những năm qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhưng sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Chỉ tính trong giai đoạn 2016 - 2022, tổng sản phẩm ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản duy trì tăng trưởng liên tục qua các năm, bình quân đạt 3,04%/năm. Việt Nam đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn với nhiều mặt hàng xuất khẩu đứng hàng đầu thế giới. Sản xuất nông sản đáp ứng tốt nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực và thành tựu đạt được, sản xuất và kinh doanh nông sản của Việt Nam cũng tồn tại nhiều hạn chế. Bao gồm: quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ lẻ, sản xuất liên kết theo chuỗi còn hạn chế; hao hụt thất thoát sau thu hoạch còn cao, công nghiệp bảo quản chế biến chưa hiện đại dẫn đến hiệu quả kinh doanh; khả năng cạnh tranh nông sản chưa cao, tình trạng được mùa mất giá còn xảy ra; các dịch vụ hỗ trợ cho kinh doanh nông sản, đặc biệt là dịch vụ logistics còn hạn chế.

Hội thảo phát triển hệ thống nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam

Theo đó, để phát triển hệ thống nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, tại hội thảo, đại diện các đơn vị, địa phương đã tham gia thảo luận, tham luận góp ý xây dựng báo cáo tóm tắt dự thảo đề án Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đề án góp phần làm rõ nội hàm logistics và logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản; thực trạng phát triển logistics gắn với các vùng sản xuất nông nghiệp; chính sách phát triển logistics gắn với vùng sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện đề án.

Trong đó, mục tiêu của đề án là phát triển thiện hệ thống logistics gắn với vùng sản xuất và kinh doanh nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả bền vững phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Đến năm 2035, đảm bảo cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giữ được vị thế Việt Nam về xuất khẩu nông sản, phấn đấu lọt vào trong nhóm 10 nước về chế biến nông sản hàng đầu trên thế giới. Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics hỗ trợ sản xuất kinh doanh nông sản, giảm 20% chi phí logistics và hao hụt sau thu hoạch cho nông sản so với hiện tại. Hoàn thiện hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ logistics nông nghiệp. Hình thành được đội ngũ doanh nghiệp, hợp tác xã và thương lái chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, logistics xanh tham gia hệ thống logistics nông nghiệp.

Các đại biểu có dịp hiểu sâu hơn về mạng lưới logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó có cái nhìn toàn diện, bổ sung, xây dựng, hoàn thiện đề án Phát triển hệ thống logistics trước khi trình Chính phủ phê duyệt.

Việc phát triển hệ thống logistics nói chung là căn cứ quan trọng để hoàn thiện hệ thống chuỗi logistics trong lĩnh vực nông sản. Đây sẽ là đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế hàng hóa nông sản, đạt tiêu chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Lam An