Năng lượng gió

Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi

Thứ tư, 11/12/2024 | 17:25 GMT+7
Ngày 11/12, tại Bạc Liêu, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Đại sứ quán Úc tại Việt Nam và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam và Úc.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết: Cùng với bối cảnh chung của thế giới về nhu cầu về năng lượng, Úc và Việt Nam là hai quốc gia biển có tiềm năng nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi. Việt Nam được thiên nhiên trao tặng một đường bờ biển dài và điều kiện thuận lợi để phát triển điện gió. Úc cũng có tiềm năng điện gió tương tự và đã thực hiện các bước đi để hỗ trợ việc phát triển và quản lý ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi. Chiến lược tăng cường hợp tác kinh tế Việt - Úc (EEES) 2021 nêu rõ năng lượng là một lĩnh vực tiềm năng, có khả năng đóng góp rất lớn vào việc mục tiêu hợp tác đầu tư và thương mại, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững.

Kế hoạch thực hiện EEES bao gồm việc hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực điện gió ngoài khơi. Bên cạnh đó, Việt Nam và Úc đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 3 năm 2024, trong đó xác định năng lượng là một trong những trụ cột hợp tác chính giữa hai quốc gia.

Ảnh minh họa

Cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các chiến lược và quy hoạch nêu trên đều nhấn mạnh phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi là một trong những lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.

Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững và khai thác hiệu quả tiềm năng của điện gió, chúng ta cần giải quyết nhiều thách thức, từ cơ sở hạ tầng, nguồn vốn đầu tư, công nghệ, đến việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong bối cảnh đó, việc tổ chức hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm về phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam và Úc là một trong các hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết hợp tác giữa hai quốc gia trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời tạo cơ hội để cán bộ, chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam và Úc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để tìm ra những giải pháp, sáng kiến đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp điện gió của Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Tại hội thảo, bà Eleanor Kennon, Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Úc tại Việt Nam cho biết, Úc giống như Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050. Và năng lượng tái tạo là một phần quan trọng trong việc đảm bảo nhu cầu năng lượng trong tương lai của Úc và chúng ta cần tận dụng gió ngoài khơi như một nguồn tài nguyên biển quan trọng.

Với tư cách là Đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam, Úc cam kết hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi này và đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng của mình. Chính phủ Úc đang thực hiện điều này thông qua nhiều sáng kiến khác nhau, trong đó có Sáng kiến tài nguyên biển. Đây là chương trình trị giá 42 triệu USD nhằm hỗ trợ các nước Đông Nam Á vượt qua những thách thức trong quản lý bền vững tài nguyên biển.

Các chuyên gia, nhà khoa học và nhà quản lý từ hai quốc gia Úc và Việt Nam tham dự hội thảo đã cùng trao đổi thông tin về chiến lược, chính sách, khung pháp lý và hiện trạng phát triển điện gió ngoài khơi tại Úc và Việt Nam; chia sẻ bài học kinh nghiệm, cơ hội, thách thức và giải pháp tiềm năng trong quá trình thiết lập ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi; trao đổi, tìm hiểu về yêu cầu ưu tiên của các cơ quan Việt Nam trong xây dựng các cơ chế, khung pháp lý hỗ trợ phát triện điện gió ngoài khơi của Việt Nam; đồng thời xác định những cơ hội hợp tác hoặc hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực để hỗ trợ phát triển ngành điện gió ngoài khơi cùng các ngành công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam.

Hải Long (t/h)