Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đội truyền tải điện ứng dụng công nghệ

Thứ hai, 8/5/2023 | 14:35 GMT+7
Mới đây, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) tổ chức hội thảo với chủ đề Chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đội truyền tải điện ứng dụng công nghệ tại TP Đà Nẵng.

Ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT; ông Tạ Việt Hùng, Trưởng ban Kỹ thuật EVNNPT và ông Trần Thanh Phong, Giám đốc Công ty Truyền tải điện 2 (PTC2) chủ trì hội thảo.

EVNNPT được giao nhiệm vụ quản lý vận hành lưới điện truyền tải quốc gia 220kV, 500kV với hàng chục nghìn km đường dây. Địa hình chủ yếu của các tuyến đường dây bị chia cắt thành nhiều vùng từ rừng rậm, núi cao đến đồng bằng, sông hồ, ven biển… có những đoạn đường dây vượt qua những địa hình đặc biệt phức tạp như khu vực Tây Bắc, khu vực đèo Hải Vân nằm giữa địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế, vượt đèo Lò Xo nằm giữa địa bàn tỉnh Quảng Nam và tỉnh Kon Tum, đèo Violak nằm giữa địa bàn tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi, khu vực biên giới Việt – Lào thuộc tỉnh Quảng Nam…

Các đại biểu tham dự hội thảo

Hiện nay, việc kiểm tra, quản lý đường dây truyền tải điện tại các Đội quản lý vận hành đường dây chủ yếu vẫn đang được thực hiện hoàn toàn mang tính thủ công, có nhiều bất cập như: quá trình tương tác giữa người quản lý và người vận hành trực tiếp trong các công đoạn công việc thực hiện hàng ngày tại một đội quản lý vận hành đường dây vẫn đang được thực hiện thông qua các loại giấy tờ, sổ sách… hoàn toàn mang tính thủ công.

Các công tác thống kê, tổng hợp, báo cáo của Đội quản lý vận hành đường dây lên các cấp lại thực hiện cập nhật thủ công từ các sổ theo dõi. Hệ quả tiêu tốn nhân lực, vật lực, thời gian, không gian trong các công tác cập nhật, lưu trữ, xử lý (thống kê, báo cáo…) từ đó làm giảm năng suất lao động của lực lượng vận hành tại Đội quản lý đường dây. Các thông tin qua nhiều khâu cập nhật, thống kê sẽ dễ dẫn đến sai sót. Thông tin không được đồng bộ sẽ khó lũy kế, so sánh đối chiếu để đưa ra các cảnh báo cần thiết phục vụ công tác bảo dưỡng sữa chữa lưới điện.

Toàn bộ các tài liệu kỹ thuật, hồ sơ, sổ sách phục vụ công tác vận hành và sửa chữa đường dây tại các đội, tổ quản lý đường dây hầu hết đều được cập nhật và lưu trữ dưới dạng giấy, sổ… dẫn đến số liệu cập nhật khó được thống kê, theo dõi, đối chiếu so sánh; công tác lưu trữ phục vụ sản xuất và kiểm tra còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, công tác kiểm tra đường dây truyền tải đang thực hiện theo kiểu truyền thống (đi dọc theo hành lang tuyến) gây rất nhiều khó khăn, nặng nhọc cho người công nhân, làm giảm hiệu quả của người lao động trong công tác kiểm tra.

Phó Tổng giám đốc EVNNPT Lưu Việt Tiến phát biểu tại hội thảo

Xuất phát từ nhiều khó khăn bất cập trong thực tế công tác quản lý vận hành, trong thời gian qua, EVNNPT đã đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý vận hành tại các đơn vị trực thuộc như: số hóa thông tin, dữ liệu thiết bị trên các phần mềm PMIS, số hóa thông tin, dữ liệu thiết bị trên các phần mềm GIS, ứng dụng UAV kiểm tra lưới điện, xây dựng và ứng dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo AI.

Đánh giá ban đầu khi ứng dụng UAV trong công tác kiểm tra tuyến đường dây cho thấy, nhờ khả năng giúp quan sát bao quát từ trên cao và gần đối với các phần tử mang điện mà UAV sẽ hỗ trợ kiểm tra, nắm bắt tốt hơn tình trạng tuyến đường dây mà phương pháp truyền thống phải tốn nhiều công sức, qua đó nâng cao hiệu quả quản lý vận hành.

Đối với việc ứng dụng AI đã mở ra hướng mới nhằm hỗ trợ cho người công nhân trong việc kiểm tra dữ liệu, hình ảnh trong quá trình kiểm tra lưới điện truyền tải bằng các phương pháp mới như thiết bị bay không người lái, camera giám sát đường dây. Qua đó sẽ giúp nâng cao hiệu quả công việc.

Các đại biểu theo dõi thực tế kết quả triển khai Đội truyền tải điện ứng dụng khoa học công nghệ của PTC2

Tại hội thảo, các Công ty Truyền tải điện 1, 2, 3, 4 chia sẻ kinh nghiệm triển khai Đội truyền tải điện ứng dụng khoa học công nghệ tại đơn vị mình và đều khẳng định đây là việc làm cần thiết và cần sớm triển khai để đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay, đồng thời nâng cao năng suất, hiệu quả công việc.

Phát biểu tại hội thảo, ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng giám đốc EVNNPT cho biết, việc ứng dụng khoa học công nghệ tại Đội truyền tải điện đã mang lại hiệu quả rõ rệt, tuy nhiên mức độ triển khai hiện nay chưa rộng khắp. EVNNPT kỳ vọng sau hội thảo này sẽ thay đổi đáng kể nhận thức từ các cấp lãnh đạo và người lao động trực tiếp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Trong thời gian tới, EVNNPT sẽ tiếp tục học tập ở những quốc gia đi trước để từng bước ứng dụng vào quản lý vận hành lưới điện truyền tải tại Việt Nam.

Phó Tổng giám đốc EVNNPT cũng cho biết: Qua thực tế kết quả triển khai thực hiện, có thể khẳng định ứng dụng trí tuệ nhân tạo là xu hướng cần thiết để từng bước hiện đại hóa phương thức sản xuất, ít nhất là trong công tác hỗ trợ kiểm tra quản lý vận hành lưới điện. 

Nhằm tiếp tục xây dựng hoàn thiện hệ thống AI, EVNNPT sẽ đề xuất cơ chế trao đổi chia sẻ nguồn dữ liệu để tăng cường hiệu quả công tác “huấn luyện” cho hệ thống AI. Về ứng dụng UAV, EVNNPT sẽ xem xét xây dựng định mức trang bị bổ sung đủ về số lượng, chủng loại đáp ứng về yêu cầu kỹ thuật để triển khai ứng dụng cho toàn bộ các đội đường dây.

Phạm Hạnh