Tập đoàn B.Grimm Power của Thái Lan và Tập đoàn Xuân Cầu của Việt Nam đã mới đây đã chia tách dự án điện mặt trời Dầu Tiếng – Tây Ninh (DTE) thành hai dự án nhỏ hơn thông qua việc thay đổi cấu trúc sở hữu của công ty chủ đầu tư.
Cụ thể, dự án DTE (quy mô 420 MW) sẽ được chia thành dự án DTE1 (180 MW) và dự án DTE2 (240 MW). Theo đó, Công ty CP năng lượng DT1 do Xuân Cầu sở hữu 100% sẽ nắm giữ toàn bộ dự án DTE1.
B.Grimm Power trước đây sở hữu 55% cổ phần DTE, tương ứng quy mô 231 MW, sẽ nâng sở hữu lên 96,25% cổ phần DTE và doanh nghiệp này chỉ còn sở hữu dự án DTE2. Gần 4% còn lại do Xuân Cầu sở hữu.
Theo Tập đoàn Thái Lan, giao dịch thực hiện nhằm tạo sự linh hoạt hơn khi huy động nguồn vốn và các thỏa thuận tài chính khác nhau của hai đối tác. B.Grimm Power cũng nhấn mạnh, hành động này không được coi là thương vụ liên kết, mua lại hay phân chia tài sản.
Từ tháng 6/2019, Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 chính thức được đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia
Trước đó, vào tháng 6 vừa qua, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã thông qua khoản vay 160,5 triệu USD nhằm tái cấp vốn cho dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 2 có công suất 240 MW (hiện do Tập đoàn B.Grimm Power nắm 96,25%).
Dự án Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng là dự án hợp tác đầu tư giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp Thái Lan. Đây được xem là cụm nhà máy điện mặt trời có quy mô lớn nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á với tổng mức đầu tư khoảng 9.100 tỷ đồng vào thời điểm 2018. Dự án được xây dựng trên vùng đất bán ngập của hồ Dầu Tiếng, diện tích 504 ha, công suất lắp đặt 420 MW.
Dự án được khởi công vào cuối tháng 6/2018. Sau gần 1 năm thi công xây dựng và lắp đặt, cụm Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng: Dầu Tiếng 1 và Dầu Tiếng 2 đã chính thức được đưa vào vận hành thương mại, hòa lưới điện quốc gia trong tháng 6/2019, cung cấp lên lưới điện quốc gia khoảng 688 triệu kWh mỗi năm.
Tùng Lâm (t/h)