Theo Bộ trưởng Bộ xây dựng Trần Hồng Minh, để có nguồn vốn dài hạn, bền vững cho phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ nhà ở quốc gia, hình thành từ nguồn ngân sách nhà nước cấp, tiếp nhận nguồn hỗ trợ tự nguyện, nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Cùng với đó là nguồn thu từ việc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở, nguồn từ bán nhà ở thuộc tài sản công và các nguồn huy động hợp pháp khác.
Quỹ nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được thành lập ở Trung ương và địa phương, thực hiện chức năng đầu tư xây dựng, tạo lập quỹ nhà ở xã hội, nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuê mua, thuê.

Bổ sung cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân. (Ảnh minh họa)
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính. Theo đó, đối với tỉnh, thành phố được sắp xếp lại thì căn cứ vào phạm vi đơn vị hành chính của tỉnh, thành phố nơi có dự án trước thời điểm sắp xếp lại để xác định điều kiện về nhà ở đối với đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở.
Trường hợp đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội có địa điểm làm việc cách xa nhà ở của mình thì điều kiện là chưa được mua hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, trường hợp có nhà thì khoảng cách ngắn nhất đến địa điểm làm việc phải từ 30 km trở lên.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được thuê nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp để bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của mình ở. Doanh nghiệp sản xuất trong khu công nghiệp được thuê nhà lưu trú công nhân cho người lao động của mình ở.
Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuê nhà ở xã hội được hạch toán chi phí thuê nhà ở xã hội vào chi phí sản xuất kinh doanh, khoản chi sự nghiệp thường xuyên hoặc chi hợp pháp khác nhưng không được sử dụng ngân sách nhà nước để thanh toán tiền thuê nhà ở xã hội.
Cơ quan hành chính nhà nước thuê nhà ở xã hội được bố trí ngân sách để thực hiện khi có dự toán được cấp có thẩm phê duyệt.
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng cho biết Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết.
Theo Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các chính sách được đề nghị trong dự thảo Nghị quyết đều là những chính sách mới, lớn, có tác động sâu rộng đến nguồn lực nhà nước, quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, nhiều giải pháp đột phá rất thông thoáng, tuy cần thiết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nguy cơ sơ hở, lạm dụng dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thực hiện yêu cầu của Bộ Chính trị và Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp đề nghị dự thảo Nghị quyết cần bổ sung quy định giao Chính phủ có trách nhiệm xây dựng cơ chế phòng ngừa sơ hở, tiêu cực, tham nhũng, tránh việc trục lợi chính sách gây thất thoát, lãng phí nguồn lực, bảo đảm chất lượng xây dựng nhà ở xã hội.
Về nội dung của dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của dự thảo Nghị quyết đã thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển nhà ở xã hội; tạo hành lang pháp lý thông thoáng hơn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời, có cơ chế, chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội để góp phần nâng cao phúc lợi xã hội toàn dân, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là đối tượng chịu sự tác động của việc sáp nhập các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Ủy ban cũng tán thành việc thành lập Quỹ nhà ở quốc gia với các lý do nêu tại Tờ trình của Chính phủ, tán thành việc xác định đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách để bảo đảm rõ ràng về địa vị pháp lý, mô hình tổ chức của Quỹ.