Chủ động công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Thứ ba, 2/7/2024 | 10:35 GMT+7
UBND tỉnh Gia Lai vừa công bố báo cáo về công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2024 và kế hoạch thực hiện 6 tháng cuối năm.

Theo UBND tỉnh Gia Lai, trong 6 tháng đầu năm 2024, công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, tình trạng hạn hán, thiên tai vẫn gây thiệt hại khoảng 157 tỷ đồng. Trong đó, thiệt hại do hạn hán, thiếu nước là 151,97 tỷ đồng, gây ảnh hưởng trực tiếp đến 435,89ha lúa; 101ha cây hàng năm, rau màu; 2.506,49ha cây lâu năm; 182,627ha cây ăn quả; 16,1ha cây lâm nghiệp. Ngoài ra, mưa dông, gió mạnh đã làm hư hỏng cơ sở vật chất, thiệt hại tài sản trên địa bàn tỉnh Gia Lai khoảng 5,07 tỷ đồng. 

Trong 6 tháng đầu năm 2024, các ngành chức năng tỉnh Gia Lai đã kiểm tra phát hiện, bắt giữ 106 vụ vi phạm lâm luật, tăng 7 vụ (tương đương 7,07%) so với cùng kỳ năm 2023. Trong số các vụ vi phạm, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 60 vụ, phạt tiền 775,5 triệu đồng; bán tang vật, phương tiện tịch thu hơn 1.283 triệu đồng; xử lý hình sự 4 vụ; đang xác minh, xử lý 42 vụ.

Chủ động thực hiện công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn tỉnh Gia Lai

Đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch giao rừng năm 2024 cho 5 huyện với tổng diện tích 6.024,10ha. Trong đó, huyện Chư Pưh 648,90ha, huyện Ia Pa 439,78ha, huyện Kbang 41,45ha, huyện Kông Chro 4.586,10ha và huyện Phú Thiện 307,87ha.

Về kế hoạch trồng rừng năm 2024, tính đến ngày 30/6, toàn tỉnh Gia Lai đã trồng được 200ha rừng; tiếp tục triển khai khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp từ năm 2023 sang thực hiện năm 2024 là 119.583ha.

Ngoài việc tăng cường quản lý, bảo vệ, trồng và chăm sóc rừng trên địa bàn, tỉnh Gia Lai đang tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện những nhiệm vụ về quản lý, bảo tồn, phát triển hệ sinh thái và nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế đối với khu dự trữ sinh quyển thế giới cao nguyên Kon Hà Nừng; nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng.

UBND tỉnh Gia Lai đánh giá, thời gian qua, tình trạng hạn hán, thiếu nước ảnh hưởng lớn đến sản xuất, đời sống người dân; vi phạm lâm luật còn xảy ra nhiều và tiềm ẩn phức tạp trên địa bàn tỉnh. Do đó, thời gian tới, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục thực hiện nghiêm công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; chủ động dự báo, triển khai thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai.

Cụ thể, UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan đơn vị có liên quan đôn đốc, chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai tại địa phương; thường xuyên theo dõi thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về tình hình thiên tai; chủ động chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật tư, lực lượng để tham gia công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.

Tăng cường công tác kiểm tra, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai như: xây dựng, san lắp mặt bằng, khai thác vật liệu khoáng sản trái phép gây tắc nghẽn, ngăn cản dòng chảy sông suối; xâm phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông, thủy lợi, đê kè làm tăng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở... Tuyên truyền giáo dục pháp luật về các hành vi bị cấm theo quy định của Luật Phòng, chống thiên tai.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trong các tháng cuối năm để nắm bắt thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân. Đối với rủi ro thiên tai ở cấp độ 1, chủ động huy động các nguồn lực tại địa phương triển khai giải pháp phòng, chống thiên tai theo đúng quy định. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, tuần tra các khu vực xung yếu (vùng có nguy cơ cao về ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất…) để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố ngay từ đầu; bố trí lực lượng hướng dẫn giao thông, nhất là những nơi bị sạt lở, qua các ngầm tràn, khu vực bị ngập, nước chảy xiết. Kiểm tra, vận hành bảo đảm an toàn các hồ chứa nước, đặc biệt là những hồ xung yếu, hồ đã tích đầy nước... bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt và báo cáo kịp thời khi công trình xảy ra sự cố.

Chuẩn bị, dự trữ đầy đủ trang thiết bị, phương tiện, vật tư, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý khi có tình huống xảy ra, tuyệt đối không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

Kim Bảo