Chuẩn bị kịch bản sản xuất, tiêu thụ than phù hợp với diễn biến thị trường

Thứ tư, 9/6/2021 | 14:33 GMT+7
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến hai kịch bản sản xuất, tiêu thụ phù hợp với diễn biến thị trường để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và giữ tồn kho ở mức hợp lý.

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh đã làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc về tình hình sản xuất, kinh doanh (SXKD) 5 tháng đầu năm 2021; phương hướng, nhiệm vụ và những kiến nghị, đề xuất tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy SXKD trong thời gian tới. 

Quang cảnh hội nghị

Báo cáo của Tổng giám đốc TKV Đặng Thanh Hải cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2021, thị trường tiêu thụ than giảm sút, riêng than cấp cho nhiệt điện giảm 2,4 triệu tấn so với cùng kỳ do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) huy động điện từ nguồn điện gió, điện mặt trời. Mặt khác, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào tăng cao, đặc biệt là giá sắt thép, xăng dầu… cùng với tác động của đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 làm cho chuỗi cung ứng bị đứt gãy, tác động đến hiệu quả SXKD của Tập đoàn. 

Các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, thu nộp ngân sách 5 tháng đầu năm cơ bản chưa đạt kế hoạch tuy nhiên Tập đoàn là một trong số ít doanh nghiệp Nhà nước giữ được nhịp độ sản xuất; đời sống, việc làm của người lao động được đảm bảo. 

Kết quả 5 tháng đầu năm, doanh thu toàn Tập đoàn ước đạt 50,4 nghìn tỷ đồng; than nguyên khai sản xuất 16,9 triệu tấn; tiêu thụ than 18,15 triệu tấn; tiền lương bình quân đạt 13 triệu đồng/người/tháng; nộp ngân sách Nhà nước 7,8 nghìn tỷ đồng.

Cùng với đó, TKV và các đơn vị đã chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động, cùng chung tay hỗ trợ các địa phương và cả nước phòng chống dịch.

Theo Tổng giám đốc TKV, thực hiện nhiệm vụ SXKD năm 2021, TKV dự kiến hai kịch bản sản xuất, tiêu thụ phù hợp với diễn biến thị trường để đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động và giữ tồn kho ở mức hợp lý. 

Theo đó, kịch bản thứ nhất, sản lượng than tiêu thụ 42 triệu tấn; than sản xuất là 38,4 triệu tấn, trong đó tại Quảng Ninh là 36,7 triệu tấn; điện sản xuất 10 tỷ kWh, tại Quảng Ninh là 6,55 tỷ kWh; doanh thu 123,8 ngàn tỷ, lợi nhuận 3 nghìn tỷ. Kịch bản thứ hai là tiêu thụ 40 triệu tấn than; than sạch sản xuất là 37,562 triệu tấn than; điện sản xuất 10 tỷ kWh, tại Quảng Ninh là 6,5 tỷ kWh; lợi nhuận 2 nghìn tỷ đồng (giảm 1 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch).

Tại hội nghị, Chủ tịch HĐTV TKV Lê Minh Chuẩn đã làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến những đề xuất, kiến nghị của Tập đoàn trong công tác quản lý, cấp phép các dự án thăm dò, khai thác than theo quy hoạch; lộ trình khai thác lộ thiên một số khu vực trên địa bàn TP Hạ Long (Quảng Ninh); việc xây dựng và thực hiện lộ trình kết thúc các dự án khai thác than lộ thiên khu vực Hòn Gai theo Quy hoạch 403 của Thủ tướng Chính phủ; quản lý hoạt động vận chuyển than và việc nhập khẩu, pha trộn than tại các cảng, bến theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh; công tác quản lý đất đai, môi trường, xuất khẩu than...

Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2021 đến nay, đặc biệt, trong làn sóng dịch thứ 3, Quảng Ninh là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất nhưng hàng vạn công nhân ngành than vẫn luôn đoàn kết, cố gắng phòng, chống dịch bệnh và lao động để giữ vững nhịp độ sản xuất, góp phần quan trọng để Quảng Ninh thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Hệ thống bốc rót than tự động tại cảng Cửa Ông (TP Cẩm Phả, Quảng Ninh)

Ông Nguyễn Xuân Ký đề nghị, ngành than tiếp tục phấn đấu là ngành kinh tế gương mẫu trong các hoạt động SXKD. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp, phải luôn đề cao mục tiêu “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn đối với dịch bệnh”, bảo vệ sức khỏe cho người lao động. TKV và Tổng công ty Đông Bắc bố trí, dành nguồn lực tiêm vaccine cho người lao động và gia đình của họ với sự đồng hành, hỗ trợ về phương án tổ chức, hướng dẫn của tỉnh từ các kinh nghiệm đã có.

Bên cạnh đó, ngành than cần tích cực phối hợp giải quyết tốt vấn đề bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, quản lý, sử dụng tiết kiệm hiệu quả tài nguyên; triển khai hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn để tận dụng nguồn bã sàng, đá xít thải có than, đất đá bãi thải mỏ làm vật liệu xây dựng, thi công san lấp các công trình để giảm áp lực của các bãi thải mỏ, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn, sạt lở bãi thải. Đồng thời, tiếp tục chăm lo hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở các tổ chức cơ sở Đảng, hoàn thiện quy chế làm việc, quy chế phối hợp để đảm bảo tính đồng bộ.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng giao cho Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành và địa phương liên quan tập trung quyết liệt, xem xét giải quyết dứt điểm, tìm biện pháp tháo gỡ mọi vướng mắc của ngành than, đặc biệt là giải quyết thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện cho ngành ổn định, phát triển. Các vấn đề vượt thẩm quyền thì tỉnh và ngành than cùng phối hợp, đề xuất kiến nghị với các Bộ, ngành và Chính phủ để giải quyết.

Anh Thư