Năng lượng tái tạo

Chuyển dịch năng lượng cần trách nhiệm của toàn xã hội

Thứ ba, 27/6/2023 | 16:53 GMT+7
Phát biểu tại hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" do Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức ngày 27/6, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng cần trách nhiệm của toàn xã hội.

Hội thảo "Net Zero - Chuyển dịch Xanh: Cơ hội cho người dẫn đầu" có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức quốc tế: Bộ Tài chính, VCCI, Ngân hàng Thế giới, EuroCham, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD)... cùng doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phát biểu về việc chuyển dịch năng lượng ở Việt Nam, ông Keiju Mitsuhashi, Vụ trưởng, Vụ Năng lượng, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế trong việc theo đuổi chính sách năng lượng xanh, cần có cam kết mạnh mẽ từ trên xuống dưới, tất cả các cấp, các ngành.

Bên cạnh đó, cần chính sách dài hạn, dễ dự báo, nhất quán và có thể thực hiện được, chính sách phải bao trùm thông qua tham vấn các bên liên quan, thúc đẩy cạnh tranh, đổi mới về tài chính và công nghệ.

Theo ông Keiju Mitsuhashi, gần đây Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Quy hoạch điện VIII để tăng cường chuyển dịch năng lượng xanh. Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức với Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng gia tăng.

Chuyển dịch năng lượng là chuyển sang các năng lượng thay thế như điện gió, điện mặt trời. Năng suất các nguồn năng lượng này hy vọng sẽ tăng trưởng 48%. Nguồn năng lượng sẵn có và năng lượng thay thế đều rất quan trọng.

Ông Mitsuhashi nhấn mạnh, chuyển dịch năng lượng cần trách nhiệm của toàn xã hội. Đó còn là đào tạo kỹ năng, xây dựng công nghệ để đáp ứng chuẩn tiết kiệm năng lượng.

Ảnh minh họa

Để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, ADB khuyến nghị Việt Nam cần phân quyền ra quyết định và tăng cường trách nhiệm giải trình. Phát triển các dự án khả thi vay vốn ngân hàng và tăng cường môi trường đầu tư thuận lợi.

Bên cạnh đó, huy động các nguồn tài chính nước ngoài, ngân sách và vốn tư nhân. Thúc đẩy thị trường cạnh tranh hướng tới cải cách thị trường điện bán buôn, phát triển thị trường điện bán lẻ và thị trường dịch vụ phụ trợ. Tiến hành dự án thí điểm với các công nghệ và cơ chế mới.

Về cơ chế tài chính, đại diện ADB đã nêu ra một số cơ chế như: các nguồn tài chính công và tư; Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); sử dụng nguồn vốn công để xúc tác cho nhiều nguồn tư nhân hơn: tài trợ hỗn hợp, các sản phẩm bảo lãnh; giao dịch carbon và trái phiếu xanh.

Lan Anh