Năng lượng phát triển

Chuyển dịch năng lượng hiệu quả bền vững

Thứ năm, 18/3/2021 | 14:18 GMT+7
Việt Nam đang nỗ lực chuyển dịch năng lượng theo hướng hiệu quả, bền vững.

Tại Đối thoại về chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) mới đây, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam đánh giá, nhu cầu sử dụng điện của Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ hiện tăng trưởng ngày một lớn. Theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng công suất phát điện dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới, từ 69,3GW lên 137,7GW. Do đó, ngành cần nhiều vốn này có nhu cầu, khả năng và tiềm năng đầu tư rất lớn. Trong vòng 10 năm tới, sẽ cần tới 33,4 tỷ USD để đầu tư vào lưới điện (trong đó 14,7 tỷ USD để đầu tư cho truyền tải điện và 18,7 tỷ USD để phân phối). Đây là khối lượng đầu tư cực lớn nhưng cũng tương ứng với thực tiễn tại Việt Nam, đặc biệt nếu xét đến sự phát triển nhanh chóng của năng lượng tái tạo trong khoảng 3 năm gần đây và dự báo về mức tăng gấp đôi của tổng công suất phát điện tại Việt Nam trong 10 năm tới.

Đáng chú ý, nguồn điện năng lượng tái tạo đang tăng tỷ trọng trong cơ cấu nguồn điện tại Việt Nam. TS. Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương chia sẻ về cơ cấu nguồn điện đến năm 2030, năm 2045. Cụ thể, tới năm 2030, giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than từ 29% năm 2020 xuống còn 27% vào năm 2030. Phát triển mạnh mẽ các nguồn điện khí, đặc biệt là các nguồn điện sử dụng khí trong nước và khí hóa lỏng (LNG); đưa tỷ lệ điện khí từ 13% năm 2020 lên 21% năm 2030. Điện mặt trời lên tới 14% tổng công suất đặt năm 2030, điện gió tăng lên 13% năm 2030. Để vận hành hệ thống ổn định, cần phát triển khoảng 2% tổng công suất đặt hệ thống đối với các nguồn điện có khả năng điều chỉnh linh hoạt (các nguồn pin tích năng, thủy điện tích năng, động cơ đốt trong ICE) lên tới 2,6 - 2,8 GW năm 2030.Tới năm 2045, tiếp tục giảm dần tỷ trọng nhiệt điện than xuống còn 18%. Tăng tỷ trọng điện khí lên tới 24%. Tỷ trọng điện gió và mặt trời lên tới 42% tổng công suất đặt hệ thống.

Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Tuấn Anh cho biết, tới đây cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời, điện gió. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phát triển điện gió, điện mặt trời trong giai đoạn chuyển tiếp từ cơ chế giá FIT sang cơ chế đấu thầu. Xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật cho các dự án điện gió, điện mặt trời. Nghiên cứu cơ chế xã hội hóa đầu tư lưới điện truyền tải để phát triển dự án năng lượng tái tạo.

Theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam, Việt Nam cần đầu tư nâng cao khả năng quản lý lưới điện phức tạp, bao gồm tăng cường năng lực dự báo; phát triển thị trường cung cấp các sản phẩm phụ trợ; nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông minh trong đo đạc, giám sát, kiểm soát hệ thống theo thời gian thực; đào tạo đội ngũ kỹ sư và cán bộ kỹ thuật để điều hành các hệ thống hiện đại. Thu hút nhiều hơn nữa đầu tư của khu vực tư nhân thông qua phát triển nhà máy điện mặt trời và nhà máy điện gió (bao gồm truyền tải điện theo mô hình quan hệ đối tác công - tư và được thực hiện theo cơ chế đấu giá với công tác phân bố rủi ro được cải thiện và hợp đồng mua bán điện dựa trên thị trường)...

Về việc giải quyết các thách thức kỹ thuật và tài chính đầu tư lưới điện, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết: EVN đã phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ UBND các cấp trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; đề xuất Bộ/ngành/Chính phủ các giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và quy hoạch. Đề xuất cơ chế cấp bách cho các dự án điện đặc thù. Đề xuất cơ chế dịch vụ phụ trợ để EVN triển khai các dự án nâng cao độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện. Đề xuất xã hội hóa lưới điện đấu nối các dự án năng lượng tái tạo và tính chi phí đầu tư vào giá điện. Trong khi đó, nhà máy thủy điện đa mục tiêu của EVN đang thực hiện dịch vụ phụ trợ (không tính phí) để đảm bảo độ tin cậy và chất lượng cung cấp điện. EVN cũng điều chỉnh thiết kế: nâng cao độ cao cột và/hoặc điều chỉnh tuyến để giảm thiểu đất rừng. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị đầu tư xây dựng tiên tiến. Xây dựng chính sách huy động vốn theo hướng đa dạng hóa về nguồn vốn, hình thức vay và phương thức huy động.

Về nội dung này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, Bộ Công Thương đang tiếp tục làm việc với các đối tác phát triển và các Bộ, ban, ngành phía Việt Nam để tìm kiếm thêm nhiều gói tín dụng hỗ trợ phát triển các dự án truyền tải năng lượng trọng điểm. Bên cạnh đó, Bộ cũng thúc đẩy xã hội hóa lưới điện truyền tải, khuyến khích doanh nghiệp chủ động huy động vốn theo các hình thức khác bên cạnh vay vốn ODA, trong đó yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn tổ chức đánh giá, xếp hạng tín dụng quốc tế để có thể tiếp cận nguồn vay quốc tế mà không cần có sự bảo trợ của Chính phủ.

Tiến Đạt