Chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh

Thứ ba, 20/2/2024 | 10:25 GMT+7
UBND thành phố Hà Nội mới đây đã ban hành Kế hoạch số 57/KH-UBND về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh năm 2024.

Trong đó, kế hoạch xác định chủ đề chung năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số” với trọng tâm là “Quản trị dựa trên dữ liệu số”.

Hà Nội xác định một số mục tiêu về chuyển đổi số trong năm 2024 gồm: hoàn thiện một số cơ chế, chính sách về khai thác, chia sẻ dữ liệu, hạ tầng lưu trữ dùng chung của thành phố; hoàn thành triển khai hạ tầng số trong các cơ quan nhà nước thành phố; triển khai cung cấp dữ liệu mở của chính quyền thành phố theo lộ trình để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; tăng chỉ số xếp hạng chuyển đổi số cấp tỉnh của thành phố Hà Nội.

Cụ thể, đối với phát triển chính quyền số, bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cũng như xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng số. Trong đó nổi bật là việc triển khai trung tâm dữ liệu chính phục vụ triển khai chính quyền số và hình thành một số thành phần cơ bản của trung tâm điều hành thông minh của thành phố Hà Nội.

Hà Nội xác định chủ đề chung của chuyển đổi số năm 2024 là “Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số”

Đồng thời duy trì, vận hành, khai thác hiệu quả nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của thành phố (LGSP) phục vụ kết nối, chia sẻ các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của thành phố và hệ thống thông tin/cơ sở dữ liệu quốc gia, của các Bộ, ngành. Triển khai hệ thống giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng (SOC) cho các hệ thống thông tin của thành phố và kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống đảm bảo an toàn thông tin của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông. Phát triển hệ thống tổng hợp, phân tích dữ liệu của thành phố, phục vụ kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu để phát triển chính quyền số và xử lý, phân tích, tạo ra các giá trị mới phục vụ phát triển kinh tế số và xã hội số.

Thành phố cũng sẽ tiếp tục triển khai các ứng dụng, dịch vụ chuyên ngành phục vụ người dân doanh nghiệp, cụ thể trong các lĩnh vực: du lịch, văn hóa thể thao, giao thông vận tải, y tế, giáo dục, tài nguyên môi trường, quy hoạch kiến trúc, xây dựng, công thương, kế hoạch đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn... Phối hợp với các Bộ, ngành triển khai giải pháp, phát triển các ứng dụng theo yêu cầu của các ngành phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đối với phát triển kinh tế số, thành phố tiếp tục đẩy mạnh phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số, trong đó tập trung thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng công nghệ số để tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội. Khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ứng dụng công nghệ số thúc đẩy mạnh mẽ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo về kinh doanh trên nền tảng số, hệ thống trực tuyến, dịch vụ trực tuyến.

Đối với phát triển xã hội số, thành phố ưu tiên hình thành công dân số và văn hóa số. Khích người dân truy cập Internet, đăng ký tài khoản và sử dụng các dịch vụ số mà trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet. Hướng dẫn người dân về các kỹ năng an toàn, bảo mật thông tin cơ bản để có thể tự bảo vệ tài khoản, dữ liệu của mình trên không gian số.

Nhã Quyên