Bản tin môi trường số 22/2021

Thứ hai, 22/11/2021 | 10:30 GMT+7
Tại Diễn đàn Biển ASEAN (AMF) lần thứ 11 và Diễn đàn Biển ASEAN mở rộng (EAMF) lần thứ 9, đại diện các nước ASEAN và nhiều đối tác, chuyên gia, học giả uy tín đã cùng thảo luận chung về giữ vững an ninh, an toàn môi trường biển Đông.

Diễn đàn Biển ASEAN: Giữ vững an ninh, an toàn môi trường biển Đông

Diễn đàn AMF và EAMF là dịp để đại diện các nước ASEAN và nhiều đối tác, chuyên gia, học giả uy tín cùng thảo luận chung về vấn đề giữ vững an ninh, an toàn môi trường biển Đông.

Trong EAMF, 3 chủ đề chính được các đại biểu thảo luận gồm: duy trì hòa bình và đề cao trật tự khu vực dựa trên luật lệ nhằm củng cố luật pháp quốc tế, thúc đẩy kinh tế biển xanh và bảo vệ môi trường biển.

Duy trì hòa bình, xây dựng lòng tin, cách tiếp cận đa phương trong việc xử lý các thách thức chung trên biển Đông

Phát biểu tại các diễn đàn AMF và EAMF, ông Vũ Hồ, trưởng đoàn Việt Nam tham gia sự kiện đánh giá cao vai trò của các diễn đàn trong thúc đẩy hợp tác biển trong ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của duy trì vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực cũng như trong lĩnh vực hợp tác biển, khuyến khích các đối tác tiếp tục ủng hộ ASEAN trên tinh thần minh bạch, tin cậy và tham vấn, tăng cường hợp tác với ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt.

Trong bối cảnh các nước cần tập trung phục hồi sau tác động nặng nề của dịch bệnh, Việt Nam chia sẻ tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, sự cần thiết của đối thoại, tham vấn, tuân thủ luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982 và đề cao tinh thần trách nhiệm, thiện chí của các nước trong việc thực hiện cam kết.

Hơn hết, trưởng đoàn Việt Nam đặc biệt đề cao sự cấp thiết của việc duy trì và bảo vệ môi trường biển, đề nghị coi đây là một chủ đề nóng, cần thường xuyên được thảo luận trong các trao đổi về biển trong khu vực thời gian tới.

Trước diễn biến phức tạp trên biển Đông, Việt Nam khẳng định lại lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh lợi ích và trách nhiệm của các nước trong phấn đấu xây dựng biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và ổn định.

UNICEF và Nhật Bản hỗ trợ khả năng chống chịu rủi ro thiên tai cho trẻ em Việt

Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam vừa tổ chức Lễ ký kết công hàm trao đổi cho dự án Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em trong giai đoạn 2021 – 2026.

Lễ ký kết công hàm trao đổi cho dự án Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em, với sự chứng kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam

Dự án nhằm tăng cường năng lực thể chế hỗ trợ các hoạt động lấy trẻ em làm trung tâm và vận động, đề xuất cơ chế chính sách nhằm tiếp cận 27.000 trẻ em dưới 18 tuổi tại Việt Nam ở khu vực miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đặc biệt là các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau và Bạc Liêu. Đặc biệt, dự án tập trung vào việc cải thiện các dịch vụ về nước và vệ sinh, sàng lọc suy dinh dưỡng cấp tính nặng để có những can thiệp kịp thời vào năm 2025.

Trong lễ ký kết, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, khủng hoảng khí hậu là một cuộc khủng hoảng về quyền trẻ em. Việt Nam đã phải đối mặt với những thiên tai liên quan đến biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL và đợt mưa lũ lịch sử, sạt lở đất nặng nề ở miền Trung năm ngoái. Bên cạnh đó, cộng đồng dễ bị ảnh hưởng và tổn thương này cũng đang phải chịu nhiều tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Do đó, dự án Tăng cường khả năng chống chịu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu cho trẻ em sẽ là giải pháp hỗ trợ giải quyết các vấn đề trên trong nhiều lĩnh vực như nước sạch, vệ sinh, dinh dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em; góp phần giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu và định hướng thay đổi vì một cộng đồng xanh, sạch và an toàn.

Tham gia tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định, dự án sẽ giới thiệu các công nghệ sáng tạo, bền vững, kinh nghiệm từ Nhật Bản và các nước về khả năng chống chịu với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu cho những khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng như Việt Nam.

Theo Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Takio Yamada, Nhật Bản và Việt Nam là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu và thiên tai. Do đó, hai nước đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai. Cũng như đang phối hợp xúc tiến dự án ứng phó với sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc và dự án vận hành hiệu quả hồ đập tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Nâng cao hoạt động Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân mới đây đã làm việc trực tuyến với Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2021.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam đề nghị, Bộ Tài nguyên và Môi trường bổ sung vốn điều lệ của Quỹ từ nguồn đầu tư công năm 2025 và các năm tiếp theo như quan tâm xem xét bổ sung nhiệm vụ tăng vốn điều lệ của Quỹ vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sau khi dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam được ban hành; xem xét loại trừ yếu tố khách quan khi xác định tiền lương năm 2021.

Nâng cao công tác môi trường trong khai thác khoáng sản

Tại buổi làm việc, các đại biểu cũng thống nhất với báo cáo của Quỹ và chia sẻ khó khăn của công tác môi trường trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid–19. Đồng thời, tập trung thảo luận nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian tới của Quỹ.

Lắng nghe báo cáo của đại diện Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân yêu cầu lãnh đạo Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam tăng cường, tập trung chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu theo kế hoạch được giao; tập trung xây dựng hướng dẫn sử dụng tiền hỗ trợ khắc phục ô nhiễm môi trường sau thiên tai để các địa phương có cơ sở triển khai và Quỹ có cơ sở kiểm tra, giám sát; rà soát các nhiệm vụ được giao theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các quy định liên quan để chuẩn bị sẵn sàng khi Luật có hiệu lực; phối hợp với các Vụ chức năng để đề xuất lãnh đạo Bộ xem xét theo quy định của pháp luật để giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Minh Khang