Đà Nẵng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân

Thứ sáu, 26/7/2024 | 15:50 GMT+7
Ngày 26/7, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân năm 2024.

Tại lễ diễn tập, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi chia sẻ, thành phố đã ban hành kế hoạch về việc ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cấp thành phố kèm theo 5 kịch bản gồm: công tác chuẩn bị, cơ cấu tổ chức, cơ chế huy động và điều hành các lực lượng và phương tiện tham gia khi có sự cố bức xạ, hạt nhân trên địa bàn.

Việc diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an toàn bức xạ, an ninh nguồn phóng xạ; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy và tổ chức hiệp đồng giữa các lực lượng trong công tác ứng phó sự cố.

Diễn tập ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân

Kịch bản ứng phó kéo dài hơn 1 giờ, gồm 2 phần. Phần 1 trình chiếu đoạn phim khoảng 10 phút về sự cố phát sinh gây mất an ninh, an toàn nguồn phóng xạ nhóm A. Phần 2 diễn tập ứng phó sự cố tại khu vực xảy ra sự cố gồm: các hoạt động ứng phó, đo đạc, chăm sóc y tế, đánh giá nhiễm bẩn phóng xạ cho các nạn nhân và lực lượng tham gia ứng phó.

Mục tiêu chính của kịch bản diễn tập là nhằm kiểm tra sự phù hợp của kế hoạch ứng phó sự cố, việc truyền đạt thông tin giữa các tổ chức tham gia. Rèn luyện kỹ năng ứng phó đối với sự cố từ nguồn chiếu xạ công nghiệp, đảm bảo năng lực ứng phó đối với sự cố bức xạ hạt nhân có khả năng xảy ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Tấn Khải, Cục trưởng Cục an toàn bức xạ và hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, khoảng 2 năm gần đây ứng dụng bức xạ phát triển rất nhanh, trên cả nước có khoảng 1.900 cơ sở bức xạ. Tuy nhiên, bên cạnh tác dụng tích cực, thì ứng dụng bức xạ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, an ninh. Bức xạ không màu, không mùi, không nhìn thấy do vậy để phát hiện và đánh giá tác động rất khó. Chính vì vậy, yêu cầu đảm bảo an toàn, an ninh và nâng cao năng lực ứng phó sự cố là hết sức quan trọng, để đảm bảo phát triển bền vững của ứng dụng năng lượng nguyên tử.

Ông Nguyễn Tấn Khải thông tin thêm, Bộ Khoa học và Công nghệ được giao xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) và đang hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ; đồng thời, được giao chủ trì xây dựng Quy hoạch năng lượng nguyên tử đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Viện Năng lượng Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân đặt tại tỉnh Đồng Nai. Tại đây sẽ có lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu mới với công suất 10 MW với nhiệm vụ sản xuất các loại đồng vị phóng xạ phục vụ y tế và công nghiệp, cũng như những ứng dụng bức xạ khác. Lò phản ứng hạt nhân mới có công suất lớn gấp 20 lần lò phản ứng hạt nhân hiện tại ở Đà Lạt (Lâm Đồng). Dự kiến, Trung tâm khoa học công nghệ hạt nhân mới sẽ khánh thành vào năm 2032. 

Gia Bảo (T/H)