Liên Hợp Quốc kêu gọi hành động khẩn cấp trước tình trạng nắng nóng khắc nghiệt gia tăng

Thứ sáu, 26/7/2024 | 11:06 GMT+7
Ngày 25/7, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các quốc gia giải quyết tình trạng nắng nóng khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra.

Sau khi thế giới ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử (22/7), Tổng Thư ký Antonio Guterres đã nhấn mạnh trước truyền thông: “Nhiệt độ cực đoan là sự bất thường mới. Thế giới phải ứng phó với thách thức của nhiệt độ tăng cao”.

Đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc đưa ra lời kêu gọi hành động toàn cầu về tình trạng nắng nóng khắc nghiệt.

Biến đổi khí hậu đang khiến các đợt nắng nóng xảy ra thường xuyên, dữ dội và kéo dài hơn trên toàn cầu. Trong năm 2024, tình trạng nắng nóng đã khiến 1.300 người hành hương Hajj (Saudi Arabia) thiệt mạng, đóng cửa trường học của khoảng 80 triệu trẻ em ở châu Phi và châu Á, gia tăng số ca nhập viện và tử vong ở Sahel (châu Phi).

Năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận, tuy nhiên năm 2024 có thể sẽ lập kỷ lục mới khi nhiệt độ trên 40 độ C đang ngày càng phổ biến. Trong vòng 1 năm, ngưỡng 50 độ C đã bị vượt quá ở ít nhất 10 nơi, từ Thung lũng Chết (Hoa Kỳ) (53,9 độ C vào ngày 7/7) đến Agadir (Morocco), Trung Quốc và Ấn Độ.

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia giải quyết tình trạng nắng nóng khắc nghiệt toàn cầu

Theo Liên Hợp Quốc, tác động của nắng nóng thường ít được nhìn thấy hơn bão hoặc lũ lụt nhưng lại gây chết người nhiều hơn. Tài liệu “Kêu gọi hành động” của Liên Hợp Quốc công bố ngày 25/7 nêu rõ, từ năm 2000 đến năm 2019, nắng nóng gây ra khoảng 489.000 ca tử vong mỗi năm, trong khi số ca tử vong mỗi năm do lốc xoáy là 16.000.

Đáng chú ý, nhiệt độ cực cao cũng có tác động đến nền kinh tế, theo ước tính, thiệt hại kinh tế do căng thẳng nhiệt tại nơi làm việc sẽ lên tới 2,4 nghìn tỉ USD vào năm 2030.

Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) được công bố ngày 25/7, hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu (2,4 tỷ người) đang có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của tình trạng nắng nóng khắc nghiệt. Gần 93% lực lượng lao động tại châu Phi, 84% lực lượng lao động của các quốc gia Ả rập phải chịu đựng tình trạng nắng nóng quá mức.

Theo Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của châu Âu, kể từ tháng 6/2023, mọi tháng đều được xếp hạng là tháng ấm nhất trên hành tinh so với cùng kỳ của những năm trước. Liên Hợp Quốc kêu gọi Chính phủ các nước không chỉ cắt giảm khí thải nhiên liệu hóa thạch - tác nhân gây ra biến đổi khí hậu mà còn phải tăng cường bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất, gồm người già, phụ nữ mang thai, trẻ em, đồng thời tăng cường bảo vệ người lao động.

Nhiệt độ quá cao được cho là nguyên nhân gây ra gần 23 triệu ca thương tích trên toàn thế giới và khoảng 19.000 ca tử vong mỗi năm. Một số nhà nghiên cứu ước tính đến năm 2050, số người nghèo thành thị sống trong điều kiện nhiệt độ khắc nghiệt trên toàn cầu sẽ tăng 700%.

Do đó, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc kêu gọi nhiều biện pháp để bảo vệ người lao động dựa trên quyền con người; các Chính phủ cần hành động để bảo vệ nền kinh tế, cũng như các lĩnh vực quan trọng như chăm sóc sức khỏe, môi trường xây dựng.

Mỹ Dung (T/H)