Theo văn bản, để kiểm soát, xử lý có hiệu quả, góp phần từng bước ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường và cải thiện chất lượng nước trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, các Sở, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố cần triển khai, thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Trong đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt các sông trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020. Rà soát, tổng hợp, đánh giá tổng thể hiện trạng các nguồn nước thải có xả thải vào hệ thống Bắc Hưng Hải; xây dựng kế hoạch, lộ trình đầu tư, triển khai dự án đầu tư cho việc cải tạo, phục hồi môi trường đối với các đoạn sông bị ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong cộng đồng; hướng dẫn về chuyên môn, kỹ thuật trong đầu tư, xây dựng công trình xử lý nước thải sinh hoạt quy mô hộ, cụm hộ gia đình; phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình.
Triển khai có hiệu quả Đề án thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư nông thôn nhằm giảm thiểu, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó tập trung nguồn lực đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt các đô thị, khu dân cư nông thôn, ưu tiên khu dân cư dọc, sát hệ thống sông Bắc Hưng Hải.
Thẩm định chặt chẽ về môi trường các dự án đầu tư, kiên quyết từ chối tiếp nhận dự án phát sinh nhiều chất thải, nhất là nước thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xả thải trực tiếp ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh.
Bên cạnh đó, cần quan trắc giám sát chất lượng nước hệ thống Bắc Hưng Hải và các dòng sông, kênh theo quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường tỉnh, các trạm quan trắc tự động, liên tục chất lượng nước mặt. Tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm soát chặt chẽ đối với những cơ sở có phát sinh lưu lượng nước thải lớn, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là cơ sở xả thải ra hệ thống Bắc Hưng Hải và các sông nhánh. Rà soát, yêu cầu cơ sở có lưu lượng nước thải từ 100m3/ngày đêm trở lên lắp đặt, vận hành hiệu quả các thiết bị quan trắc tự động liên tục nước thải để kiểm soát nguy cơ ô nhiễm môi trường nước mặt.
Có kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại làng tái chế chì xã Chỉ Đạo, tái chế nhựa thôn Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm.
Tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung quyết liệt đối với các nguồn thải lớn vào hệ thống Bắc Hưng Hải và sông nhánh; xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc đóng cửa theo đúng quy định của pháp luật.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải theo dõi, giám sát chất lượng, lưu lượng nước thải xả từ cống Xuân Thụy vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để kịp thời đưa ra giải pháp kiến nghị, xử lý nhằm giảm thiểu nguồn ô nhiễm thải vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải; lập quy trình vận hành công trình thủy lợi theo quy định.
Đối với vùng nuôi trồng thủy sản sử dụng nguồn nước từ hệ thống Bắc Hưng Hải, trên cơ sở kết quả quan trắc chất lượng nước của Sở Tài nguyên và Môi trường, thường xuyên trao đổi thông tin đến người dân về tình hình chất lượng nước, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật nuôi trồng, giải cứu khi gặp sự cố môi trường có nguy cơ gây thiệt hại đến vật nuôi; lấy mẫu, phân tích để đánh giá nguyên nhân đối với trường hợp nghi ngờ do ô nhiễm nguồn nước; khuyến cáo nông dân trong việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên cánh đồng đảm bảo năng suất nhưng phải thân thiện môi trường.
UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường liên quan đến hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và đề ra các kế hoạch, biện pháp cụ thể trong công tác bảo vệ môi trường hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn quản lý.
Xác định, xây dựng các điểm tập kết rác thải, khu xử lý rác thải sinh hoạt tập trung cách xa tuyến sông, kênh; thường xuyên kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ bãi chôn lấp, điểm tập kết rác thải.
Tổ chức vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tiến hành xã hội hóa việc thu gom rác thải; lựa chọn rà soát các đơn vị thu gom rác thải đủ điều kiện, khả năng tiềm lực thực hiện; tổ chức tốt việc tuyên truyền đến người dân về lợi ích của việc xã hội hóa thu gom rác cũng như tác hại của việc vứt rác bừa bãi xuống hệ thống thủy lợi, sông ngòi nói chung và sông Bắc Hưng Hải nói riêng để hạn chế nguồn gây ô nhiễm…