Văn hóa, du lịch

Đắk Lắk: Nét đẹp truyền thống trong lễ cúng bến nước của người dân tộc Ê Đê

Thứ năm, 10/11/2022 | 15:21 GMT+7
Trong tín ngưỡng tâm linh của người Ê Đê, cái ăn, cái mặc hay như tiếng cồng chiêng có thể thiếu nhưng chắc chắn phải có lễ cúng bến nước, bởi theo quan niệm của họ, không có nước thì không thể sống được, do đó, Thần nước được người dân Tây Nguyên thờ cúng long trọng và vô cùng thiêng liêng.

Trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, người Ê Đê là cư dân có mặt lâu đời ở miền Trung và Tây Nguyên với nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng. Dấu vết về nguồn gốc người Ê Đê được phản ánh qua nhiều bộ sử thi, những công trình kiến trúc, nghệ thuật tạo hình, văn hóa dân gian. Cho đến nay, dân tộc Ê Đê vẫn duy trì gia đình theo truyền thống mẫu hệ.

Ở Việt Nam, người Ê Đê đông thứ 12 trong tổng số 54 dân tộc anh em, ước tính có hơn 331.000 người Ê Đê cư trú tập trung chủ yếu ở các tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Lễ cúng bến nước của người dân tộc Ê Đê tại Tây Nguyên

Theo tìm hiểu của phóng viên, lễ cúng bến nước là đặc trưng văn hóa Ê Đê. Từ bao thế hệ nay, họ cho rằng những ngày trước khi phải du canh khắp nơi tìm mảnh đất an cư thì có thể nhịn đói cả tuần, nhưng không thể không có nước uống. Bởi vậy, khi tìm được một nguồn nước trong lành thì cả buôn làng phải hết lòng gìn giữ. Dù hôm nay cuộc sống đã có nhiều đổi thay, nước máy đã được dẫn về từng buôn làng, nhưng người Ê Đê vẫn giữ phong tục lấy từ bến nước để chế rượu cần và thờ cúng.

Lễ cúng bến nước được diễn ra và cuối tháng Chạp, người dân dùng nước lấy từ bến để chế rượu cần thờ cúng và tại đây, thầy cúng khấn cầu xin Giàng cho nguồn nước trong lành, không bao giờ cạn. Mọi người uống nước này đều khỏe mạnh, làm ăn khá giả,…

Để thực hiện nghi thức này, mọi người tích cực dọn dẹp, kiểm tra nguồn nước. Tại bến nước, trước đó ba ngày, những người đàn ông tài giỏi của buôn làng tiến hành dựng cây nêu ở vị trí cao ráo trước nhà Rông, báo cho mọi người biết sắp đến ngày tổ chức lễ cúng, không được lấy nước tại đây. Ngày thứ nhất, cúng tại nhà chủ bến nước và bến nước. Ngày thứ hai là ngày cấm buôn, tại ngày này, cổng buôn làng được dân làng thiết lập bằng cách treo sợi dây có buộc lông gà, bông trắng và một chiếc vòng làm bằng tre. Cổng được đóng lại để báo cho khách gần xa và người dân biết, hôm nay trong buôn có việc cấm ra vào, cấm gùi nước, cấm chẻ củi, người ngoài không được vào, người trong buôn không được ra, nếu ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo luật tục.

Ngày thứ ba, cúng thần mở cổng buôn, đây là nghi thức cuối cùng của chuỗi ngày lễ cúng bến nước. Sáng sớm hôm đó, thầy cúng, già làng, chủ bến nước ra mở cổng buôn, sau đó về nhà cúng báo với thần linh là nghi lễ cúng bến nước đã hoàn thành. Sau lễ, người dân trở lại cuộc sống sinh hoạt bình thường. Dù có làm gì, nhưng người dân nơi đây vẫn luôn ghi nhớ một điều đó là luôn giữ cho nơi này sạch sẽ, mạch nước luôn chảy tràn trề, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, đất đai, coi nguồn nước là báu vật của cả một dân tộc.

Người dân Ê Đê gìn giữ lễ hội cổ truyền

Không chỉ đơn thuần là tín ngưỡng, lễ cúng bến nước còn là sinh hoạt văn hóa cộng đồng độc đáo, giàu bản sắc dân tốc Ê Đê. Sau lễ hội sẽ là thời điểm bước vào mùa xuân, nhân dân trong buôn làng bắt đầu vui chơi.

Quang Vĩnh