Văn hóa, du lịch

Thành phố Hà Nội tổ chức sự kiện lớn về thiết kế sáng tạo

Thứ tư, 9/11/2022 | 14:53 GMT+7
Ngày 8/11, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội.

Phát biểu tại họp báo, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, nhằm phát huy các nguồn lực văn hóa của Hà Nội, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của cộng đồng đối với các tài năng sáng tạo, đồng thời tạo điểm nhấn cho Hà Nội ở tầm quốc gia và khu vực, Sở phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm, Văn phòng đại diện UNESCO tại Hà Nội, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc (UN-HABITAT) và Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) tổ chức Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội.

Theo thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, sự kiện văn hóa đặc biệt tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay sẽ là khởi nguồn cho các sáng tạo mới mẻ, đột phá trong việc phát triển không gian văn hóa công cộng, không gian văn hóa tại các khu công viên, vườn hoa… trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây cũng là sự kiện để mỗi người dân Thủ đô và khách du lịch trong nước, quốc tế có dịp tham quan, trải nghiệm và tận hưởng không khí lễ hội.

Bên cạnh đó, thông qua sự kiện, thành phố Hà Nội kêu gọi mỗi người dân Thủ đô cùng chung tay xây dựng Hà Nội từ thành phố vì hòa bình trở thành thành phố sáng tạo của UNESCO. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm là đặt sáng tạo vào trung tâm của sự phát triển bền vững, đưa Hà Nội trở thành điểm đến của tri thức và sáng tạo trên thế giới.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phan Đăng Sơn, hướng đến Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm nay, ban tổ chức đã phát động nhiều cuộc thi thiết kế sáng tạo dành cho các nhà sáng tạo nhằm khuyến khích sự tham gia của giới trẻ vào việc kiến thiết không gian thành phố trong tương lai. Việc tổ chức lễ hội một lần nữa khẳng định nguồn lực sáng tạo của Thủ đô bằng cách kết nối các nghệ sỹ, các nhà thiết kế sáng tạo, các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kiến trúc, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu, công nghệ…

Không gian kiến trúc của lễ hội được ban tổ chức gửi gắm thông điệp kết nối truyền thống với hiện đại. Các công trình thiết kế độc đáo và mang tính biểu tượng như cổng Sáng tạo, không gian Hội nhập, không gian Truyền thống, vừa là nơi diễn ra các sự kiện triển lãm, trưng bày, trình diễn vừa là nơi người dân và du khách có thể tương tác, hình thành góc nhìn mới mẻ về một Hà Nội sáng tạo, phát triển.

Lễ hội có sự tham gia của hơn 50 nghệ sỹ triển lãm, sắp đặt, trưng bày; hơn 300 nghệ sỹ biểu diễn; hơn 50 đơn vị, tổ chức, nhóm sáng tạo; hơn 30 diễn giả và hàng triệu lượt người dân Hà Nội và khách du lịch trong nước, quốc tế cùng tham quan, trải nghiệm…

Các sự kiện diễn ra tại các địa điểm khác nhau trên địa bàn thành phố, tập trung ở khu vực quận Hoàn Kiếm gồm: vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật (22 Hàng Buồm), Trung tâm Thông tin Văn hóa hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ), Nhà triển lãm (45 Tràng Tiền), Trung tâm Thông tin triển lãm (93 Đinh Tiên Hoàng), toàn bộ không gian phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Trong dịp này, nhiều hoạt động hưởng ứng phong phú sẽ diễn ra tại các không gian khác như Bảo tàng Hà Nội, Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (Bát Tràng, huyện Gia Lâm), khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), không gian nghệ thuật Mơ Art Space và một số không gian sáng tạo văn hóa trên địa bàn thành phố...

Lễ khai mạc sự kiện dự kiến diễn ra vào tối ngày 11/11 tại vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ. Các hoạt động trọng điểm diễn ra trong các ngày 11 - 13/11; một số hoạt động triển lãm, trưng bày trong khuôn khổ lễ hội sẽ tiếp tục mở cửa phục vụ công chúng đến hết tháng 11/2022 hoặc kéo dài hơn nữa.

Thanh Tâm