Sản phẩm, công nghệ

Đảm bảo an toàn chất lượng công trình trùng tu các tổ máy Phú Mỹ 4

Thứ ba, 1/9/2020 | 14:26 GMT+7
Vào lúc 23g45p ngày 31/7/2020, qua thời gian 31 ngày ngừng máy (từ ngày 1/7 đến 31/7/2020), các tổ máy của Nhà máy điện Phú Mỹ 4 được chính thức bàn giao cho Trung tâm điều độ Hệ thống điện (A0) khai thác, sau khi hoàn thành đợt trung tu theo kế hoạch.

Đây là lần đầu tiên các đơn vị thực hiện trung tu các tổ máy GT41, ST43 và lò 41, 42 mà không có sự hỗ trợ trực tiếp của chuyên gia nhà chế tạo GE tại công trường.

Nhà máy điện Phú Mỹ 4 là một trong 4 cụm nhà máy thuộc Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ quản lý vận hành, được đưa vào vận hành thương mại từ tháng 8/2004. Sản lượng tích lũy tính đến hết tháng 7/2020 của Nhà máy điện Phú Mỹ 4 đạt khoảng 50 tỷ kWh. Nhà máy sử dụng công nghệ tuabin khí chu trình hỗn hợp, công suất thiết kế là 450 MW với cấu hình vận hành 2-2-1, gồm 2 tuabin khí GT13E2, công suất mỗi tổ máy là 150 MW, 2 lò thu hồi nhiệt và 1 tổ máy tuabin hơi KA13E2 với công suất 160 MW.

Tổ công tác cẩu rotor tuabin khí ra ngoài để thay cánh

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, toàn bộ các chuyên gia của nhà chế tạo GE (Tập đoàn General Electric - Mỹ) không thể đến Việt Nam để hỗ trợ công tác sửa chữa, bảo dưỡng các tổ máy trực tiếp tại công trường. Tuy nhiên, kế hoạch trung tu các tổ máy Phú Mỹ 4 vẫn phải thực hiện để đảm bảo an toàn trong vận hành. 

Trước khó khăn đó, phương án được thống nhất với nhà thầu GE là áp dụng hình thức hỗ trợ chuyên gia từ xa thông qua các ứng dụng trực tuyến, để chuyên gia từ nước ngoài có thể giám sát, hỗ trợ tư vấn, đưa ra đề nghị, khuyến cáo trong quá trình thực hiện. Công trình này tuy chỉ là trung tu tổ máy GT41 nhưng lại gần như là đại tu vì về phần cơ khí cũng phải tiến hành tháo vỏ, di chuyển toàn bộ trục rotor tuabin khí ra ngoài để thực hiện công tác kiểm tra và xử lý bất thường của máy nén gió, khắc phục triệt để các khiếm khuyết của tổ máy.

Đứng trước thách thức này, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ phối hợp với Công ty Dịch vụ sửa chữa các Nhà máy điện EVNGENCO 3 (EPS) lên phương án chuẩn bị chi tiết từng hạng mục công việc và phân công, bố trí những người có kinh nghiệm của các đơn vị, thay thế cho chuyên gia nhà chế tạo đảm nhận. Trong đó có những công việc đòi hỏi kỹ thuật, chuyên môn cao như: cẩu rotor ra ngoài, thay các tầng cánh máy nén gió (cánh động, tĩnh tầng 18, 19, 20, 21 do Công ty EPS đảm nhận; công tác nghiệm thu, thử nghiệm, hiệu chỉnh tổ máy sau trung tu do lực lượng tổ C&I của PXVH1, Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ chủ trì thực hiện).

Sau 31 ngày làm việc 3 ca liên tục, công tác bảo dưỡng, sửa chữa đã hoàn tất, lần lượt các thiết bị được đưa vào vận hành thử nghiệm và nghiệm thu đạt các yêu cầu kỹ thuật đề ra đảm bảo an toàn, chất lượng, hoàn thành đúng tiến độ được A0 phê duyệt, kịp thời cung ứng điện cho cao điểm mùa khô của các tỉnh miền Bắc, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Đây là công trình ghi dấu ấn đầu tiên cho Công ty Nhiệt điện Phú Mỹ, Công ty EPS trong công tác trung tu tổ máy mà không có chuyên gia nhà chế tạo hỗ trợ trực tiếp tại công trường. Điều này thể hiện bước phát triển mới trong công tác quản lý vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các nhà máy điện. Đồng thời cũng là tiền đề cho Tổng công ty Phát điện 3 chủ động triển khai phương án nhằm nâng cao năng lực nội bộ và tối ưu chi phí trong thực hiện sửa chữa lớn các tổ máy trong thời gian tới, giải pháp đảm bảo an toàn trong khi thực hiện cách ly do dịch bệnh Covid.

Theo genco3.vn