Đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước vùng miền núi Bình Định

Thứ năm, 21/7/2022 | 11:18 GMT+7
Ngày 20/7, tại kỳ họp thứ 6 HĐND tỉnh Bình Định khóa XIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, các đại biểu đã cùng thảo luận về vấn đề quản lý, đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo báo cáo của Ban Dân tộc, HĐND tỉnh Bình Định về kết quả giám sát tình hình thực hiện chính sách đầu tư các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2019 - 2021, trên địa bàn các huyện miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiện có 94 công trình cấp nước tập trung nhưng chỉ có 1 công trình được đánh giá hoạt động bền vững. Tỷ lệ người dân tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt 12,8%.

Cụ thể, trong 94 công trình cấp nước tập trung, có 1 công trình được đánh giá hoạt động bền vững, 72 công trình hoạt động kém bền vững (công trình cấp nước tự chảy, công nghệ xử lý đơn giản) và 21 công trình không hoạt động. Hơn nữa, trong số 94 công trình, chỉ 2 công trình có công nghệ xử lý nước hoàn chỉnh (lắng, lọc, khử trùng) và đảm bảo chất lượng nước; 92 công trình còn lại cấp nước không đạt chất lượng theo quy định. Các công trình chưa bền vững thường bị thiếu nước vào mùa nắng, chủ yếu là các công trình cấp nước tự chảy ở các huyện miền núi.

Các đại biểu tập trung thảo luận về vấn đề quản lý, đảm bảo chất lượng các công trình cấp nước tập trung vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định lý giải, các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số hầu hết hoạt động kém bền vững, hiệu quả thấp là do qua nhiều năm sử dụng bị hư hỏng, công tác duy tu bảo dưỡng chưa được quan tâm; năng lực quản lý vận hành các đơn vị cấp nước miền núi quá kém; nguồn nước vào mùa khô các công trình cấp nước tự chảy thường bị thiếu.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, tỉnh Bình Định đã đề ra một số giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng, khai thác và duy tu bảo vệ các công trình. Trong đó, UBND các địa phương tiến hành khảo sát, đánh giá cụ thể toàn bộ thực trạng các công trình cấp nước sinh hoạt miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đề xuất giải pháp gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ngành liên quan cùng Ban Dân tộc tỉnh thẩm định, tổng hợp trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh đưa vào kế hoạch 2022 - 2025 để sửa chữa, nâng cấp.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định cũng cho biết, thời gian tới, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ đầu tư đồng bộ từ đầu nguồn đến hộ gia đình để có nguồn nước ổn định, chất lượng nước sau xử lý đạt quy chuẩn; tính toán phương án thu phí phục vụ cho vận hành và bảo trì; đồng thời có chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với công trình cấp nước tập trung quy mô lớn, cấp nước liên vùng, tỉnh sẽ giao cho các đơn vị sự nghiệp công lập quản lý, khai thác; đối với công trình vừa và nhỏ giao UBND xã quản lý, cộng đồng vận hành.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Phi Long, UBND tỉnh đang tiếp tục đầu tư hệ thống cấp nước tập trung cho các vùng nông thôn thiếu nước sạch tại các địa phương như thị xã An Nhơn, huyện Tây Sơn, huyện Phù Cát, huyện Phù Mỹ. UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh xem xét tổng vốn đầu tư hơn 300 tỷ đồng.

Thanh Tâm (T/H)