Đảm bảo tốt vấn đề nước sạch cho người dân Hà Nội

Thứ hai, 13/3/2023 | 10:51 GMT+7
Mới đây, tại họp báo UBND thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Sáng đã trao đổi về lộ trình tăng giá nước sạch và mức giá dự kiến.

Cụ thể, dựa trên các quy định cụ thể về khung giá, nguyên tắc, phương pháp xác định giá nước, Sở Tài chính chủ trì xây dựng điều chỉnh giá nước, trước mắt lộ trình trong 2 năm (2023 - 2024), áp dụng cho hộ gia đình, đơn vị cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp. Dự kiến, đối với 1 hộ gia đình tiêu thụ thực tế đến 10 m3/tháng tăng khoảng 15.270 đồng; các nhóm khách hàng khác có hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ thì tăng khoảng 20%.

Mức tăng này chiếm tỷ trọng không lớn trong tổng chi phí các doanh nghiệp, đơn vị. Việc điều chỉnh giá nước sạch đối với các đối tượng sử dụng… theo tính toán của liên ngành, với phương án giá dự kiến, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,17% sẽ không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Điều chỉnh giá và cấp nước sạch Thủ đô

Ông Nguyễn Xuân Sáng chia sẻ, hiện nay chi phí cấu thành giá nước sạch như tiền lương, nhân công... đều tăng nên phải điều chỉnh giá nước sạch để bảo đảm hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cũng như khuyến khích các chủ thể sử dụng nước tiết kiệm. Hơn nữa, việc điều chỉnh còn giúp các doanh nghiệp giảm chi phí, chống thất thoát, thu hút việc đầu tư vào sản xuất, phân phối nước sạch, nhất là nước sạch nông thôn. Tuy nhiên, việc tăng giá nước sạch sẽ được thực hiện từng bước trong điều kiện, khả năng của người dân để có lộ trình điều chỉnh phù hợp và không có tác động lớn đến giá của các hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Bên cạnh việc điều chỉnh giá nước, thành phố Hà Nội cũng đang tiếp tục các giải pháp để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% người dân nông thôn được tiếp cận nước sạch. Trong đó, Sở Xây dựng Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước sạch cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã), nỗ lực đạt được tỉ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch là khoảng 90%.

Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội mở rộng cấp nước cho 21 xã của huyện Thường Tín, 8 xã của huyện Thạch Thất. Công ty Cấp nước Sơn Tây mở rộng cấp nước cho xã Cẩm Yên, huyện Thạch Thất. Công ty Đồng Tiến Thành Thủ đô mở rộng cấp nước cho 2 xã (Lại Thượng, Phú Kim) huyện Thạch Thất. Công ty Môi trường đô thị Xuân Mai mở rộng cấp nước cho 11 xã còn lại và hoàn thiện 4 xã đã giao tại huyện Chương Mỹ, 2 xã tại huyện Quốc Oai.

Công ty CP nước mặt sông Hồng nghiên cứu cấp nước cho 9 xã còn lại của huyện Phúc Thọ. Công ty Nước sạch số 2 Hà Nội mở rộng cấp nước cho 3 xã (Cổ Loa, Bắc Hồng, Thụy Lâm) của huyện Đông Anh; 18 xã của huyện Sóc Sơn. Công ty CP Cấp nước Hà Nam mở rộng cấp nước cho khu vực 21 xã còn lại của huyện Ứng Hòa, 26 xã của huyện Mỹ Đức. Công ty CP Viwaco mở rộng cấp nước cho khu vực 10 xã còn lại của huyện Thanh Oai.

Với những khu vực không có nhà đầu tư, thành phố giao UBND huyện triển khai dự án bằng nguồn vốn ngân sách; yêu cầu có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân một số xã đấu nối sử dụng nước sạch, tuyên truyền người dân đấu nối sử dụng nước sạch vì lợi ích cộng đồng. Đồng thời, rà soát đóng các giếng nước ngầm tự khai thác không bảo đảm yêu cầu; thực hiện hỗ trợ người dân những vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số.

Gia Linh