Đánh giá việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng

Thứ hai, 6/3/2023 | 13:06 GMT+7
Ngày 6/3, tại Nhà Quốc hội, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021: Thực trạng và giải pháp”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát cho biết: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 582/NQ-UBTVQH15 29/8/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thành lập đoàn giám sát chuyên đề, đoàn giám sát đã ban hành Kế hoạch số 355/KH-ĐGS ngày 28/10/2022 về giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng giai đoạn 2016 – 2021 với rất nhiều công việc và hoạt động cần tiến hành. Trong đó, việc tổ chức các hội thảo, tọa đàm khoa học để có thêm các ý kiến phân tích, đánh giá, đề xuất, kiến nghị từ các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý là rất cần thiết và có ý nghĩa.

Đến nay, đoàn giám sát đã chủ trì tổ chức 2 hội thảo trao đổi kinh nghiệm của các nước trên thế giới về năng lượng và chuyển dịch năng lượng; thảo luận một số vấn đề liên quan đến tình hình ban hành chính sách, pháp luật và đề xuất phương hướng, giải pháp để hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng.

Đoàn giám sát mong muốn lắng nghe các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung trao đổi, thảo luận về thực trạng thực thi các chính sách, pháp luật về năng lượng trong thời gian qua và đề xuất các giải pháp cụ thể. 

Từ đó, đoàn giám sát sẽ có thêm cơ sở để trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những đề xuất, kiến nghị thật sự “đúng” và “trúng”, vừa giúp giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc trước mắt, đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng để hướng tới mục tiêu dài hạn hơn là chuyển dịch năng lượng thành công theo hướng công bằng, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước ta.

Quang cảnh hội thảo “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng Việt Nam giai đoạn 2016 - 2021: Thực trạng và giải pháp”

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy, Phó Trưởng đoàn thường trực đoàn giám sát khẳng định, những ý kiến phát biểu, thảo luận, chia sẻ của các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý tại hội thảo hôm nay sẽ là nguồn thông tin, tư liệu quý giá đối với đoàn giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trong việc tiến hành giám sát chuyên đề và trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định; mong các quý vị đại biểu tích cực chia sẻ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cởi mở; trình bày, phát biểu ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề để hội thảo có thể nghe được nhiều ý kiến phát biểu.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung cho ý kiến vào các vấn đề trọng tâm như: đánh giá về khả năng cung cấp năng lượng (than, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo) đáp ứng nhu cầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân giai đoạn 2016 - 2021 và giai đoạn 2021 - 2025; công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực năng lượng; chuyển dịch năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; việc triển khai xây dựng thị trường năng lượng cạnh tranh, sự liên kết giữa các thị trường của các phân ngành năng lượng; khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành năng lượng; đánh giá tổng thể quy hoạch phát triển năng lượng, sự phối hợp, liên kết giữa các quy hoạch và đánh giá cụ thể đối với từng quy hoạch…

Các ý kiến cũng đánh giá tồn tại, hạn chế trong triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển năng lượng trong từng lĩnh vực, phân ngành năng lượng: than, dầu khí, điện… Làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và trách nhiệ của cơ quan, cá nhân có liên quan. Đề xuất phương hướng, giải pháp cụ thể, phù hợp, khả thi để hoàn thiện chủ trương, chính sách pháp luật với mục tiêu giải quyết, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc hiện nay; đồng thời tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển năng lượng.

Trình bày tham luận với chủ đề “Phát triển năng lượng sạch và chủ trương, chính sách của Việt Nam” tại hội thảo, TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cho biết: Trong những năm vừa qua, đặc biệt là 4 - 5 năm gần đây, đầu tư cho năng lượng tái tạo (gió, mặt trời) ở nước ta phát triển vượt bậc. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng công suất các nhà máy điện năng lượng tái tạo và thủy điện vừa và lớn đạt 43.126 MW, chiếm 55,2% tổng công suất hệ thống điện của Việt Nam (78.121 MW), trong đó điện gió 4.126 MW, điện mặt trời mái nhà 7.660 MW, điện mặt trời trang trại 8.904 MW, thủy điện 22.111MW, điện sinh khối 325 MW. Hệ thống điện Việt Nam có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Về điện mặt trời, Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có công suất lắp đặt điện mặt trời cao nhất.

Giai đoạn đến 2050, hệ thống năng lượng/hệ thống điện Việt Nam sẽ trải qua một quá trình chuyển đổi cơ bản về cơ cấu nguồn, từ chỗ chủ yếu dựa vào nguồn nhiên liệu hóa thạch chuyển sang nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng. Theo đó, trọng tâm chuyển đổi của hệ thống điện Việt Nam bao gồm: điện sạch sẽ là nguồn năng lượng chính, khai thác tối đa điện từ năng lượng tái tạo.

TS. Mai Duy Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Theo TS. Mai Duy Thiện, để thực hiện hóa được chiến lược phát triển năng lượng sạch/năng lượng tái tạo, thời gian qua, Việt Nam đã ưu tiên đầu tư và sử dụng năng lượng tái tạo, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.

Với quan điểm phát triển xanh, bền vững, nguồn năng lượng tái tạo trong đó năng lượng gió, mặt trời trong những thập kỷ tới sẽ là nguồn năng lượng cơ bản của hệ thống năng lượng/hệ thống điện và góp phần trọng yếu đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Chính vì vậy, phát triển năng lượng tái tạo là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể hóa tại Nghị quyết của Bộ Chính trị đến các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo và các cơ chế khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo. 

Tại Hội nghị COP26, COP27 vừa qua diễn ra tại Vương quốc Anh và Ai Cập, Chính phủ Việt Nam đã khẳng định và cam kết rất mạnh mẽ đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch là định hướng quan trọng của Việt Nam hướng tới nền kinh tế carbon thấp, tăng trưởng xanh trong những thập kỷ tới. 

Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Sạch Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển năng lượng sạch trong thời gian tới. Cụ thể, đề nghị sớm phê duyệt Quy hoạch điện VIII, Chiến lược, quy hoạch năng lượng.

Đồng thời, cần xây dựng giá mua điện hợp lý trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa bên bán và bên mua điện (bên bán là các nhà đầu tư, bên mua là EVN). Các quy hoạch liên quan đến điện gió ngoài khơi cần triển khai khẩn trương để có thể hoàn thành phê duyệt sớm.

TS. Mai Duy Thiện nhấn mạnh: Cơ chế, chính sách cho phát triển năng lượng tái tạo cần được xây dựng có tính liên tục và dài hạn hơn, đủ để các nhà đầu tư định hướng đầu tư phát triển các dự án.

Bên cạnh đó, cần nghiên cứu quy định về điện mặt trời áp mái tự dùng không nối lưới tại các khu công nghiệp. Ban hành đồng bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn về năng lượng tái tạo.

Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án thủy điện tích năng, nghiên cứu hệ thống lưu trữ điện năng, để tạo cơ hội cho phát triển điện gió và mặt trời, vận hành an toàn ổn định hệ thống điện. Sớm ban hành quyết định cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp DPPA.

Cùng với kế hoạch phát triển năng lượng tái tạo, cần xây dựng cơ chế để thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo để sản xuất chuỗi sản phẩm thiết bị năng lượng tái tạo tại Việt Nam, TS. Mai Duy Thiện cho biết.

Đỗ Hương