Nông nghiệp sạch

Đẩy mạnh cán cân thương mại trong nông nghiệp Việt – Mỹ

Thứ năm, 8/4/2021 | 11:59 GMT+7
Cơ cấu sản phẩm nông sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ luôn mang tính tương hỗ, xứng đáng là đối tác bền chặt.

Quan hệ thương mại hai chiều Việt Nam – Mỹ đã có sự phát triển vượt bậc, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong năm 2020, Việt Nam nhập khẩu nông sản từ Mỹ đạt mức tăng trưởng mạnh mẽ, như lúa mỳ tăng khoảng 140% (đạt 144 triệu USD), đậu tương tăng 30% (396 triệu USD), sữa và sản phẩm sữa tăng 30% (khoảng 173 triệu USD).

Trong buổi tọa đàm trực tuyến về trao đổi thương mại nông sản giữa Việt Nam với bang Nebraska (Mỹ) diễn ra ngày 7/4, ông Pete Ricketts, Thống đốc bang Nebraska nhận định, mối quan hệ giữa Việt Nam và bang Nebraska đã và đang được xây dựng rất tốt đẹp.

“Trong nhiệm kỳ Thống đốc của tôi, giá trị gia tăng của sản phẩm nông sản Việt Nam đã tăng 160% từ 20,3 triệu USD trong năm 2015 lên 52,8 triệu USD năm 2019. Trên thực tế, hàng hóa có giá trị gia tăng chiếm 81% tổng hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu của bang sang Việt Nam. Việc đó đã giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân bang Nebraska. Năm 2019, người chăn nuôi bang Nebraska đã xuất khẩu hơn 14 triệu USD thịt bò, 6 triệu USD bột ngô gluten và 20,8 triệu USD khô dầu đậu tương sang Việt Nam”, ông Pete Ricketts cho biết.

Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) khẳng định, nông nghiệp Mỹ và nông nghiệp Việt Nam có tính bổ trợ cho nhau rất rõ ràng. Thời gian qua, Chính phủ 2 bên đã cố gắng thúc đẩy, mở cửa thị trường nông sản giữa 2 nước. Đồng hành với nỗ lực của Chính phủ là sự vào cuộc tích cực của doanh nghiệp từ 2 phía để thúc đẩy thương mại một cách bền vững và hài hòa.

Nông sản Việt rất được đón nhận tại Mỹ

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), trong quý I/2021, mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn rất tích cực, GDP tăng khoảng 4,5% và nông nghiệp tăng 3,16%. Riêng nông nghiệp đóng vai trò tăng trưởng khoảng 8,34% trong tổng mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.

Điều đó nói lên sự tăng trưởng ổn định của nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, việc khống chế thành công dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam ghi dấu ấn mạnh mẽ, trở thành môi trường đầu tư hoàn hảo, uy tín với các đối tác Mỹ.

Sau khi ký kết những biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác từ 2 năm trước, việc tổ chức thực hiện cũng như tinh thần phối hợp của các doanh nghiệp 2 nước rất chủ động và tích cực. Việt Nam luôn giữ được sự liền mạch của chuỗi cung ứng, xuất khẩu nông sản của 2 bên, cũng như việc nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Mỹ vào Việt Nam. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp Việt Nam còn vượt được mức tăng trưởng đã cam kết.

Được biết, Việt Nam hiện đang tiếp tục quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Trong đó các mặt hàng xuất khẩu chủ lực được xác định bao gồm thủy sản, đồ gỗ, cà phê, chè, rau quả nhiệt đới...

Bang Nebraska nổi tiếng với các mặt hàng nông sản chất lượng cao như thịt bò, thịt lợn, ngô, đậu tương, lúa mỳ.

Trong tương lai, Việt Nam sẽ tiếp tục có những định hướng, chiến lược giải quyết một cách hài hòa và bền vững hơn nữa về vấn đề cán cân thương mại nông sản giữa Việt Nam và Mỹ.

Thanh Bảo