Nông nghiệp sạch

Trà Vinh: Giống dừa sáp từ nuôi cấy phôi cho hiệu quả kinh tế cao

Thứ ba, 16/3/2021 | 17:18 GMT+7
Giống dừa sáp được nhân giống bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô có tỷ lệ đậu trái đạt từ 80% - 90% và khả năng chịu mặn tốt.

Dừa sáp là đặc sản có giá trị kinh tế cao của tỉnh Trà Vinh. Tuy nhiên, phương pháp nhân giống truyền thống cho năng suất không ổn định cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nên bình quân, mỗi chùm dừa chỉ cho tỷ lệ trái dừa sáp từ 20% - 30%.

Để khắc phục hạn chế này, các nhà khoa học của trường Đại học Trà Vinh đã nghiên cứu thành công nhân giống dừa sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi, nuôi cấy mô. Với kỹ thuật này, tỷ lệ đậu trái dừa sáp có thể đạt từ 80% - 90%. Cùng với đó, các nhà khoa học còn đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển dừa sáp ở những vùng đất khó canh tác và bước đầu cho thấy cây dừa sáp cấy phôi có thể chịu độ mặn rất cao.

TS. Phạm Thị Phương Thúy, Phó Trưởng khoa Nông nghiệp – Thủy sản, Đại học Trà Vinh cho biết, Trà Vinh là địa phương có hơn 50% diện tích đất bị nhiễm mặn 4 tháng trở lên với độ mặn trên 4‰, trong đó có huyện Cầu Kè, quê hương của cây dừa sáp.

Theo TS. Phương, nghiên cứu bước đầu đã đánh giá sức chịu đựng mặn của cây dừa sáp với các nghiệm thức độ mặn từ 0‰ đến 15‰. Kết quả cho thấy, dừa sáp có thể chịu đựng được độ mặn từ 12‰ - 15‰. Điều này khẳng định cây dừa sáp thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu, nhất là xâm nhập mặn. Vì vậy, rất kỳ vọng ở môi trường tự nhiên, cây dừa sáp có thể chịu đựng được độ mặn 15‰.

Quả dừa sáp đặc sản Trà Vinh

Theo anh Đặng Minh Bé, một nông dân trồng dừa sáp từ kỹ thuật nuôi cấy phôi, qua quá trình tìm hiểu về phương pháp nuôi cấy phôi, anh nhận thấy năng suất cho trái sáp của cây dừa có thể tăng từ 5 - 10 lần so với phương pháp truyền thống.

Vì vậy, sau khi tìm hiểu kỹ về phương pháp trồng dừa sáp nuôi cấy phôi, anh đã mạnh dạn trồng thử nghiệm 600 cây dừa loại mới này trên diện tích 3ha. Sau 4 năm trồng, cây dừa cho thu hoạch. Nếu chăm sóc kỹ, cứ 27 ngày cây có thể thu hoạch một đợt. Một năm, cây có thể cho thu hoạch đến 13 lần.

Đến nay, bình quân mỗi cây dừa cho thu 7 trái/đợt. Giá cả dừa sáp tuy có biến động theo mùa vụ nhưng vẫn có giá trị cao. Những ngày giáp tết, dừa sáp có giá từ 150.000 – 250.000 đồng/trái. Ngày chính vụ, dừa cũng có giá từ 100.000 – 150.000 đồng/trái. Bình quân, mỗi cây dừa sáp cấy phôi cho thu khoảng 1 triệu đồng/tháng, hiệu quả gấp 5 - 10 lần dừa sáp trồng bằng phương pháp truyền thống và 20 lần so với trồng dừa thông thường.

Anh chia sẻ, hiện giá thành sản xuất giống dừa sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi vẫn còn cao. Mỗi cây giống dừa sáp được sản xuất bằng phương pháp này đến tay nông dân có giá khoảng 800.000 đồng. Cộng với chi phí phân bón, chăm sóc đến khi thu hoạch mỗi cây tốn khoảng 1,2 - 1,3 triệu đồng. Tuy vậy, chỉ cần chăm sóc tốt người trồng có thể hoàn vốn trong hai đợt thu hoạch đầu tiên.

Kỹ thuật trồng dừa sáp cấy phôi rất dễ, song nhà vườn cần phải chăm sóc kỹ hơn dừa thường một chút, nên tập trung xử lý bọ cánh cứng, bệnh thối đọt. Bên cạnh đó, nhà vườn cũng nên thăm dừa thường xuyên để phát hiện sớm, điều trị kịp thời dịch hại, bệnh hại.

Để dừa sáp cho nhiều trái, người trồng nên trồng thưa, mỗi gốc cách nhau từ 7m trở lên để hạn chế các tàu dừa giao bẹ với nhau. Thông thường, sau khi thu hoạch 3 đợt nên bón lót một lần phân hóa học. Mỗi năm nên bón hai lần phân hữu cơ. Mùa khô nên tưới nước thường xuyên để cây không rụng trái.

Mỹ Dung (T/H)