Để thúc đẩy thực hiện tăng trưởng xanh (TTX), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ đã được phân giao tại Chiến lược TTX và Kế hoạch hành động TTX.
Trong đó, Bộ trưởng các Bộ, thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương kịp thời lồng ghép, tích hợp mục tiêu, nhiệm vụ TTX vào các chiến lược, đề án, quy hoạch, kế hoạch và các văn bản pháp luật của các ngành, lĩnh vực dự kiến ban hành trong thời gian tới; rà soát, đánh giá tiềm năng của những ngành, lĩnh vực mới trong TTX. Đẩy nhanh thực hiện các chương trình, dự án, đề án thí điểm những mô hình mới gắn với TTX; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của TTX cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các Bộ, ngành, địa phương trong quá trình thực hiện TTX.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai xây dựng cơ chế giám sát, đánh giá, báo cáo thực hiện Chiến lược TTX; xây dựng lộ trình hiện thực hóa TTX gắn với phát triển kinh tế - xã hội với tầm nhìn dài hạn hướng tới mục tiêu trung hòa carbon...
Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh
Bộ Tài chính rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách về quản lý và sử dụng các khoản chi ngân sách nhà nước thúc đẩy TTX; xây dựng, hoàn thiện chính sách ưu đãi về tài chính khuyến khích đầu tư vào các dự án xanh; khẩn trương hoàn thiện Đề án thành lập và phát triển thị trường carbon tại Việt Nam.
Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với các mục tiêu TTX đặc biệt là tín dụng xanh và ngân hàng xanh; xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực cho tín dụng xanh, chính sách tín dụng ưu đãi cho các dự án xanh; chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cấp tín dụng xanh, tập trung nguồn vốn cho các ngành kinh tế xanh, dự án xanh, thân thiện với môi trường.
Bộ Công Thương cơ cấu lại, nâng cấp các ngành công nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ; tăng cường thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp xanh như năng lượng tái tạo, hydrogen, phương tiện vận tải điện, hạ tầng sạc điện... Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Tuyên bố về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch; cam kết về các mục tiêu năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng toàn cầu; đẩy mạnh nghiên cứu, thực hiện những giải pháp thích ứng với Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM).
Bộ Tài nguyên và Môi trường tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai. Ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất...
Bên cạnh đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách về trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon; trình ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh. Hoàn thiện bộ tiêu chí xanh quốc gia làm cơ sở xác định và phân loại các hoạt động kinh tế; hoàn thiện quy định, chính sách, hướng dẫn về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đẩy nhanh việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Bộ Xây dựng xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách và công cụ giám sát, đánh giá phát triển đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, công trình xây dựng xanh, hạ tầng công cộng và phương tiện giao thông thân thiện với môi trường; sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải carbon thấp; sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch.
Hoàn thiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình hạ tầng kỹ thuật, tập trung nội dung về ứng phó biến đổi khí hậu, giảm phát thải (cấp nước, thoát nước, xử lý chất thải rắn, chiếu sáng, cấp năng lượng…).
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, công nghệ cao, bảo vệ môi trường, giảm phát thải và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Bộ Ngoại giao tham mưu thiết lập các khuôn khổ hợp tác về kinh tế xanh, thúc đẩy công tác "ngoại giao kinh tế", "ngoại giao công nghệ", "ngoại giao khí hậu", hợp tác công nghệ, huy động các nguồn tài chính cho TTX, chuyển đổi xanh. Chủ động tham gia, đóng góp tích cực trong các khuôn khổ hợp tác, sáng kiến quốc tế về TTX và phát triển bền vững để nâng cao vai trò, hình ảnh quốc tế của Việt Nam, tạo thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực quốc tế, tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào các chuỗi cung ứng xanh toàn cầu.
Bộ Giao thông vận tải hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông xanh, năng lượng xanh (trong đó có nhiên liệu hydrogen đối với phương tiện, thiết bị, hạ tầng giao thông xanh).
Cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề có liên quan, viện nghiên cứu, trường đại học chủ động phối hợp cùng các Bộ, ngành tham gia, huy động đóng góp của các tổ chức trong nước và quốc tế, đối tác phát triển trong thực hiện Chiến lược quốc gia về TTX; tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về TTX...