Xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch
Trình bày báo cáo kết quả phiên giải trình về “Thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết: giai đoạn 2016-2019, tăng trưởng xây dựng nguồn điện đã sụt giảm đáng kể với bình quân chỉ đạt 8%/năm. Sự phát triển chưa đồng bộ giữa nguồn điện, lưới điện và việc chậm tiến độ các dự án lớn dẫn đến thực tế công suất nguồn điện tại nhiều nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết, trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng. Bên cạnh đó, Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nước sông quốc tế, dư địa để phát triển thủy điện không còn nhiều. Nhu cầu than nhập khẩu cho sản xuất điện dự kiến tăng từ 20 triệu tấn năm 2020 lên tới khoảng 72 triệu tấn năm 2030; lượng khí nhập khẩu ước tính lên tới trên 10 triệu tấn vào năm 2030.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo tại phiên họp
Báo cáo cho rằng, chưa bảo đảm sự cân đối giữa cơ cấu nguồn điện và lưới điện, Việt Nam đối mặt với nguy cơ thiếu điện. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hoàn thành đầu tư nguồn điện theo công suất trên toàn quốc đạt 81,4%, trong đó cao nhất là miền Trung đạt 95,9%, miền Nam đạt thấp nhất với 62,7%. Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ hoàn thành đạt 93,7%. Các nguồn điện truyền thống là nhiệt điện (chủ yếu là nhiệt điện than) thực hiện được khá thấp, chỉ đạt 57,6% so với quy hoạch.
Nhiều dự án nguồn điện lớn, đóng vai trò quan trọng trong bảo đảm nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2020 bị chậm tiến độ. Hầu hết các dự án BOT do nước ngoài thực hiện đều bị chậm so với tiến độ trong quy hoạch. Nhiều dự án đang trong quá trình triển khai thi công cũng bị chậm tiến độ như Long Phú 1, Sông Hậu 1, Thái Bình 2...
Đối với điện năng lượng tái tạo, do phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết, địa hình, khí hậu… nên tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo thường tập trung ở một số địa phương, mặt khác, hệ thống lưới điện chưa đáp ứng yêu cầu về truyền tải công suất.
Bên cạnh đó, sự phát triển chưa đồng bộ giữa nguồn điện, lưới điện và việc chậm tiến độ các dự án lớn dẫn đến thực tế công suất nguồn điện tại nhiều nơi còn dư thừa, chưa giải tỏa hết trong khi đó lại có nguy cơ thiếu điện cục bộ trên diện rộng.
Liên quan đến giá điện, hiện chưa có giá điện hai thành phần, giá mua điện theo miền, theo khu vực để đưa ra định hướng đầu tư và phát triển phụ tải. Trong quá trình điều hành, chưa thực hiện được đầy đủ việc điều chỉnh giá điện theo cơ chế thị trường; cơ cấu biểu giá bán lẻ điện còn duy trì bù chéo giữa khách hàng sản xuất với khách hàng sinh hoạt, thương mại. Giá điện từ nguồn năng lượng tái tạo hiện cao hơn so với nguồn điện từ nguồn năng lượng truyền thống, chi phí bù giá cho năng lượng tái tạo đang được hòa chung với chi phí của ngành điện, chưa tách rõ ràng trong hóa đơn tiền điện.
Kiến nghị về giá điện, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường mua, bán điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua, bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, minh bạch giá mua, bán điện. Tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện giá bán buôn và bán lẻ điện bảo đảm các nguyên tắc của cơ chế thị trường, tính đúng, tính đủ và tạo nguồn lực tài chính để tái đầu tư ngành năng lượng.
Đồng thời, xoá bỏ mọi rào cản để bảo đảm giá điện minh bạch do thị trường quyết định; không thực hiện bù chéo giá điện giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng, miền; hoàn thiện cơ chế, chính sách, các công cụ có tính thị trường để đẩy mạnh sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Xây dựng biểu giá điện công khai, minh bạch, lấy ý kiến người dân để lựa chọn phương án phù hợp.
Bảo đảm thực hiện được các mục tiêu về an toàn hồ đập
Báo cáo về Kết quả giám sát an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Phan Xuân Dũng cho biết: An ninh nguồn nước và an toàn hồ, đập (ATHĐ) là vấn đề hệ trọng có tính chiến lược trong phát triển của các quốc gia. Theo báo cáo, cả nước có 7.570 đập, hồ chứa đã đưa vào vận hành khai thác với tổng dung tích khoảng 70,5 tỷ m3; trong đó, có 429 đập, hồ chứa thủy điện với tổng dung tích khoảng 56 tỷ m3; 7.169 đập, hồ chứa thủy lợi với tổng dung tích trên 14,5 tỷ m3.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”
Tuy nhiên, qua công tác kiểm tra giám sát, Ủy ban KH,CN&MT đã chỉ ra những thực trạng an toàn hồ, đập hiện nay: Đối với các hồ chứa nước lớn và vừa thì chất lượng công trình cơ bản được bảo đảm; đối với hồ chứa nhỏ chất lượng xây dựng còn hạn chế. Mặc dù được Chính phủ và các địa phương quan tâm, bố trí đầu tư gần 16.000 tỷ đồng nên đã sửa chữa, nâng cấp đảm bảo an toàn cho hơn 800 hồ chứa bị hư hỏng, xuống cấp. Tuy nhiên, do số lượng đập, hồ chứa hư hỏng nhiều nên cần một nguồn kinh phí lớn để sửa chữa, duy trì.
Hiện cả nước còn khoảng 1.200 hồ chứa bị hư hỏng xuống cấp không bảo đảm khả năng thoát lũ chưa có nguồn vốn để sửa chữa, nâng cấp, trong đó có 200 hồ chứa hư hỏng nghiêm trọng cần đặc biệt quan tâm và phải xử lý cấp bách; 65/888 hồ chứa nước lớn phải kiểm tra lại khả năng thoát lũ để bảo đảm an toàn công trình; nhiều hồ chứa vừa và nhỏ không có khả năng chống lũ. Do vậy, việc tích nước của các hồ là hạn chế, không theo thiết kế và luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Mặt dù Luật Thủy lợi và Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý ATHĐ quy định nguyên tắc ATHĐ là ưu tiên cao nhất trong xây dựng, vận hành, quản lý khai thác và các cơ quan chức năng, chủ hồ, đập nỗ lực thực hiện nhưng từ năm 2010 đến nay cả nước đã xảy ra 70 sự cố đập, hồ chứa.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, việc thực thi quy định pháp luật về quản lý ATHĐ còn nhiều hạn chế. Qua thanh tra, kiểm tra, số đập, hồ chứa đăng ký an toàn đập là 66% tổng số hồ đập; được kiểm định an toàn là 4%; được lắp đặt hệ thống giám sát vận hành, thiết bị thông tin, cảnh báo an toàn cho đập và vùng hạ du là 4%; được lập quy trình vận hành là 4%; được lập phương án bảo vệ 15%; được lập phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp chiếm 16%.
Đối với ATHĐ thủy điện, theo Bộ Công Thương 100% công trình được đánh giá tuân thủ quy định về bảo đảm an toàn.
Chính phủ cũng sớm xây dựng Đề án bảo đảm an ninh nguồn nước và ATHĐ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 trình Quốc hội xem xét sớm nhất. Trên cơ sở đó, xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về bảo đảm an ninh nguồn nước và ATHĐ; đồng thời, bố trí nguồn lực trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để bước đầu thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ trong giai đoạn đầu của chiến lược dài hạn này.