Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đến nay, cả 12 tỉnh trong vùng Đề án đều đăng ký tham gia với tổng diện tích là 1.015.000 ha. Trong đó, có một số tỉnh đăng ký diện tích lớn như Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh. Cụ thể, đã triển khai 7 mô hình điểm cấp Trung ương tại 5 tỉnh, thành phố: Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Đồng Tháp và Cần Thơ. Kết quả bước đầu cho thấy mô hình canh tác lúa chất lượng cao, giảm phát thải mang lại những lợi ích rõ rệt cả về kinh tế lẫn môi trường.
Các mô hình giúp giảm chi phí sản xuất từ 8,2 - 24,2% nhờ giảm 30 - 50% lượng giống, tiết kiệm 30 - 70 kg phân bón/ha, giảm 1 - 4 lần phun thuốc bảo vệ thực vật và cắt giảm 30 - 40% lượng nước tưới. Đồng thời, năng suất tăng 2,4 - 7%, giúp nâng cao thu nhập của nông dân thêm 12 - 50%, tương đương lợi nhuận tăng từ 4 - 7,6 triệu đồng/ha so với canh tác truyền thống. Quan trọng hơn, mô hình đã góp phần giảm phát thải khí nhà kính với mức giảm trung bình 2 - 12 tấn CO2 tương đương/ha.
Đặc biệt, toàn bộ sản lượng lúa thu hoạch đều được các doanh nghiệp cam kết bao tiêu với giá cao hơn 200 - 300 đồng/kg thóc, tạo động lực mạnh mẽ cho nông dân tham gia.

Hướng tới mục tiêu xây dựng nền sản xuất lúa chất lượng cao, thân thiện với môi trường và có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại những kết quả bước đầu, thẳng thắn trao đổi về các khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra những giải pháp cụ thể, khả thi để tiếp tục triển khai Đề án một cách hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đặc biệt là phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo Việt Nam.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, sản xuất sạch, xanh và bền vững trở thành xu thế và đòi hỏi tất yếu. Ngay từ khi được phê duyệt, Đề án đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của các địa phương; đặc biệt nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của bà con nông dân, các doanh nghiệp và hợp tác xã.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định: Qua hơn 1 năm triển khai, Đề án đã từng bước khẳng định tính đúng đắn, cần thiết và bước đầu mang lại những kết quả rất đáng ghi nhận trong việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Theo đó, thói quen trong sản xuất lúa gạo của bà con nông dân đã dần thay đổi theo hướng tăng giá trị, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Đề án đã được các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển quan tâm, đồng hành, hỗ trợ về kỹ thuật, tín dụng và phát triển thị trường. Các doanh nghiệp, hợp tác xã và bà con nông dân chú trọng hơn đến liên kết sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển đổi sang quy trình canh tác bền vững như: quản lý nước tưới tiên tiến, sử dụng phân bón hợp lý, xử lý rơm rạ… được áp dụng ngày càng rộng rãi, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của ngành và của các địa phương, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với chất lượng cao, phát thải thấp và bảo vệ môi trường.
Năm 2025 là năm quan trọng, đánh dấu giai đoạn kết thúc của giai đoạn đầu Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt Đề án, dự án của tỉnh, thành kèm theo các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền và khả năng của địa phương để hỗ trợ nông dân. Các doanh nghiệp, hợp tác xã sớm mở rộng diện tích tham gia Đề án như mục tiêu đã đăng ký với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. Đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, hợp tác xã, địa phương để hình thành các chuỗi liên kết bền vững từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu. Các tổ chức quốc tế tiếp tục đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, nông dân triển khai Đề án.
Theo Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng với các Bộ, ngành trung ương triển khai theo thẩm quyền và kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện các cơ chế chính sách, sớm phê duyệt các đề án, dự án, các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng khung, hạ tầng vùng, liên vùng hỗ trợ cho Đề án.