Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) ngày 11/7, tại thành phố Edinburgh, Scotland, Vương quốc Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long tham dự và phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh 2025. Đây là sự kiện được tổ chức bên lề kỳ họp lần thứ 14 của Ủy ban hỗn hợp kinh tế - thương mại Việt Nam - Vương quốc Anh (JETCO 14).
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) (có hiệu lực từ 2021) và việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) (vào năm 2024) đã tạo “lực đẩy kép” thúc đẩy quan hệ kinh tế song phương, góp phần đưa kim ngạch thương mại hai chiều năm 2024 đạt 8,4 tỷ USD, tăng 18 % so với 2023, đưa Anh trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam tại châu Âu.
Thứ trưởng nhận định dư địa hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại và năng lượng vẫn còn rất lớn. Thứ trưởng kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp hai nước tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan và các quy tắc xuất xứ linh hoạt nhằm mở rộng hơn nữa hợp tác thương mại dịch vụ và tài chính, đồng thời gia tăng hiện diện của nông sản, thực phẩm, đồ uống tại thị trường của nhau.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long phát biểu tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Vương quốc Anh 2025. (Ảnh: moit.gov.vn)
Tiếp đó, Thứ trưởng chia sẻ về những đột phá chiến lược mà Việt Nam đang thực hiện để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, trong đó có lĩnh vực năng lượng. Theo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh (tháng 4/2025), Việt Nam đặt mục tiêu đạt 117,4 GW công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030, cần huy động khoảng 134 tỷ USD vốn đầu tư mới, chủ yếu từ tư nhân và nguồn lực quốc tế.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng kêu gọi các tập đoàn, ngân hàng, tổ chức tài chính của Anh tham gia sâu vào quá trình chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam thông qua việc cùng xây dựng các trung tâm công nghiệp - dịch vụ năng lượng, phát triển dự án điện gió ngoài khơi, đào tạo nguồn nhân lực, sản xuất thiết bị và cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho ngành năng lượng.
Tại phiên thảo luận, các diễn giả nhiều kinh nghiệm của hai bên đã tập trung thảo luận bốn chủ đề: triển vọng thương mại dưới tác động của UKVFTA/CPTPP; cơ hội cho nông sản, thựcphẩm và đồ uống cao cấp; lộ trình phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam và khả năng huy động tài chính xanh cho các dự án lớn.
Đại diện Bộ Công Thương khẳng định sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp khai thác ưu đãi thuế, tối ưu hồ sơ quy tắc xuất xứ và tiếp cận gói tín dụng xanh thuộc Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Trong khuôn khổ diễn đàn, Tập đoàn BP và T&T Group đã trao biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm thúc đẩy các giải pháp di chuyển thông minh, chuyển đổi sử dụng xe điện tại Việt Nam. Theo biên bản ghi nhớ, Castrol - công ty con của Tập đoàn BP, đối tác đến từ Đài Loan cùng Công ty CP Năng lượng Tập đoàn T&T sẽ hợp tác để triển khai và vận hành hệ sinh thái hoán đổi pin cho xe điện hai bánh (xe máy điện) tại Việt Nam.
Ngay sau diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long đã có buổi làm việc trực tiếp với đại diện BP và T&T. Tại cuộc gặp, Thứ trưởng đánh giá cao mô hình hợp tác ba bên - nhà sản xuất dầu nhờn, công ty công nghệ pin và nhà phát triển hạ tầng, đồng thời đề nghị doanh nghiệp tuân thủ những quy định có liên quan khi triển khai dự án tại các đô thị lớn, bảo đảm tương thích chuẩn kỹ thuật, an toàn cháy nổ và mức giá đổi pin cạnh tranh, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông vận tải của Việt Nam.