Trong nước

Diễn đàn kinh tế: Thúc đẩy tổng cầu để tăng trưởng kinh tế

Thứ sáu, 26/4/2024 | 16:43 GMT+7
Nền kinh tế Việt Nam năm 2024 được vận hành trên nền tảng của năm 2023 nên vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Những động lực truyền thống đến từ tổng cầu như đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu còn yếu. Khu vực doanh nghiệp còn đối mặt với nhiều khó khăn, chính sách tiền tệ cạn dư địa, chính sách tài khóa đang lưỡng nan.

Chính vì thế, nếu không có giải pháp thúc đẩy tổng cầu hiệu quả thì nền kinh tế khó đạt được mục tiêu tăng trưởng của cả năm nay đó là từ 6 – 6,5%. Vậy thì cần có những giải pháp nào, chúng ta cùng tìm hiểu thông qua chương trình Diễn đàn kinh tế của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Chương trình hân hạnh có sự đồng hành của Tổng Công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS).

Năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội GDP tăng 5,05%, không đạt được mục tiêu đề ra. Khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn gặp khó khi chỉ tăng 3,74%. Động lực chỉ tiêu cũng suy giảm khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9,6% so với năm 2022. Thu nhập của người dân giảm sút dẫn đến cầu tiêu dùng hàng hóa giảm.

Với việc tổng cầu suy giảm trong năm 2023, chia sẻ về vấn đề thể chế, chính sách để khối doanh nghiệp tư nhân có thể phát triển hơn, T.S Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, những hoạt động trong lĩnh vực đầu tư trong thời gian qua liên quan đến hoạt động bất động sản, đầu tư các dự án đang có cản trở lớn và ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, các hoạt động đầu tư công cũng đang vướng mắc rất nhiều về thủ tục về đầu tư. Đó là một trong những điểm khiến đầu tư công chưa dẫn dắt được đầu tư tư và bản thân đầu tư tư cũng chưa tạo được sự thay đổi tích cực, dẫn tới nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua đã có tình trạng rút lui khỏi thị trường.

Trong 4 tháng đầu năm nay, dù kinh tế đã có nhiều dấu hiệu khởi sắc, lĩnh vực xuất khẩu có sự bứt phá nhất định và nhiều doanh nghiệp đã có những đơn hàng. Tuy nhiên, do đơn giá chưa thể phục hồi như kỳ vọng nên các doanh nghiệp đang khá thận trọng trong việc ký kết các hợp đồng xuất khẩu.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chia sẻ, trong sự cạnh tranh hiện nay đang có hai phía sức ép. Sức ép thứ nhất là bản thân các nước tiêu thụ như EU, Mỹ… cũng đang tìm cách để lựa chọn nhà cung cấp rẻ nhất và tốt nhất và thậm chí bản thân các nước cũng đang tìm cách bảo hộ cho chính hoạt động sản xuất của quốc gia đó. Sức ép thứ hai đến từ các nước cùng tạo nguồn cung. Những nước cùng sản xuất cũng tìm mọi cách để đưa sản phẩm của mình ra ngoài, do đó cạnh tranh sẽ rất lớn trong vấn đề giá gia công do đại dịch Covid-19 vừa qua gây ra tăng chi phí do đứt gãy chuỗi cung ứng, từ nguyên liệu đến cả quá trình vận tải.

Trên tình hình đó, T.S Nguyễn Minh Thảo cho biết, vai trò của các hiệp hội trong việc liên kết các doanh nghiệp tạo ra được mức giá đảm bảo cho việc chúng ta vừa có được nguồn hàng mà vẫn giữ được mức giá ký kết có thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp. Việc các doanh nghiệp liên kết với nhau là rất quan trọng, để có thể vừa bảo vệ được doanh nghiệp của mình và còn bảo vệ được các doanh nghiệp trong nước trong việc xuất khẩu các mặt hàng đó.

Bức tranh tổng cầu nền kinh tế suy giảm qua phân tích của các khách mời đã cho thấy rất nhiều vấn đề, nền kinh tế có nguy cơ suy thoái và gây ra các hậu quả như sản xuất công nghiệp sụt giảm, thất nghiệp tăng cao, giảm thu nhập và giảm chi tiêu của người dân. Vì vậy, phục hồi tổng cầu là một nhiệm vụ quan trọng đối với Việt Nam và đòi hỏi Chính phủ, các Bộ, ban ngành liên quan cần khẩn trương có những biện pháp kịp thời, thích hợp để củng cố các động lực tăng trưởng từ phía tổng cầu. Từ đó tạo tiền đề phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.

Để biết thêm các thông tin đa dạng, cấp thiết khác, xin mời quý khán giả theo dõi chương trình Diễn đàn kinh tế của Truyền hình Quốc hội Việt Nam, được phát chính lúc 21h00 thứ Ba và thứ Năm hàng tuần, phát lại lúc 17h00 thứ Tư và thứ Sáu hàng tuần.

PV