Quốc tế

Điện gió và điện mặt trời tạo ra hơn 10% lượng điện năng toàn cầu

Thứ tư, 25/8/2021 | 10:35 GMT+7
Một báo cáo mới được công bố hôm nay (ngày 25/8) bởi tổ chức nghiên cứu năng lượng Ember cho biết, lần đầu tiên, điện gió và điện mặt trời tạo ra hơn 10% lượng điện năng toàn cầu và vượt qua công suất của điện hạt nhân.

Tuy nhiên, báo cáo của Ember cũng tiết lộ rằng, nhu cầu điện toàn cầu gia tăng trong nửa đầu năm 2021 đã vượt xa tốc độ tăng trưởng năng lượng sạch, dẫn đến sự gia tăng sử dụng điện than gây phát thải nhiều. Kết quả là, lượng phát thải của ngành điện toàn cầu tăng vọt so với thời kỳ trước đại dịch.

Dave Jones, lãnh đạo toàn cầu của Ember cho biết: “Mức phát thải cao hơn vào năm 2021 sẽ gióng lên hồi chuông cảnh báo trên toàn thế giới. Chúng ta không gây dựng lại tốt hơn, chúng ta đang gây dựng lại một cách tồi tệ hơn. Một sự chuyển đổi hệ thống điện nhanh chóng trong thập kỷ này là điều rất quan trọng để hạn chế mức nhiệt toàn cầu ở dưới 1,5 độ C”.

Bản báo cáo cập nhật giữa năm cho báo cáo Đánh giá điện lực toàn cầu do Ember công bố hôm nay phân tích dữ liệu ngành điện lực từ 63 quốc gia chiếm 87% nhu cầu điện. Báo cáo so sánh 6 tháng đầu năm 2021 (H1-2021) với cùng kỳ năm 2019 (H1-2019) để lần đầu tiên cho thấy quá trình chuyển đổi điện đã thay đổi như thế nào khi thế giới phục hồi sau tác động của đại dịch vào năm 2020.

Nhu cầu điện toàn cầu tăng 5% trong nửa đầu năm 2021 so với trước đại dịch

Theo báo cáo, lượng phát thải của ngành điện toàn cầu đã tăng trở lại trong nửa đầu năm 2021 từ mức thấp trong nửa đầu năm 2020, do đó lượng phát thải hiện cao hơn 5% so với mức phát thải giai đoạn trước đại dịch trong nửa đầu năm 2019. Nhu cầu điện toàn cầu cũng tăng 5% trong nửa đầu năm 2021 so với trước đại dịch. Nhu cầu này vốn chủ yếu được đáp ứng bằng năng lượng gió và mặt trời (57%) nhưng cũng đồng thời làm tăng mức sử dụng điện than gây phát thải nhiều (43%). 

Ngành điện khí hầu như không có sự thay đổi nào, trong khi thủy điện và điện hạt nhân giảm nhẹ. Lần đầu tiên, điện gió và điện mặt trời tạo ra hơn 10% lượng điện năng toàn cầu và vượt qua công suất của điện hạt nhân.

Nhiều quốc gia đã cam kết “gây dựng lại tốt hơn” và thúc đẩy nền kinh tế của họ chuyển sang trạng thái xanh mới thường thấy. Tuy nhiên, phân tích cho thấy rằng, chưa có quốc gia nào thực sự đạt được “phục hồi xanh” cho ngành điện của họ với sự thay đổi cơ cấu trong cả nhu cầu cao hơn về điện và lượng khí thải CO2 của ngành thấp hơn. Mặc dù, trong biểu đồ, Na Uy và Nga xuất hiện trong góc phần tư “phục hồi xanh” nhưng điều này là do các yếu tố tạm thời - chủ yếu là do lượng mưa lớn hơn giúp sản lượng thuỷ điện cao hơn chứ không phải do những cải thiện đáng kể trong cơ cấu ngành điện.

Một số quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, các nước trong khối EU, Nhật Bản và Hàn Quốc đã đạt được mức phát thải CO2 trong ngành điện thấp hơn so với mức trước đại dịch, bằng việc thay thế một phần điện than bằng điện gió và điện mặt trời nhưng chỉ trong bối cảnh nhu cầu điện bị kìm hãm tăng trưởng.

Các quốc gia có nhu cầu điện tăng cao cũng có lượng khí thải cao hơn do sản lượng điện than cũng tăng lên như điện gió và điện mặt trời. Các quốc gia “phục hồi xám” này chủ yếu ở châu Á bao gồm: Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ, Kazakhstan, Mông Cổ, Pakistan và Việt Nam. Các quốc gia này vẫn chưa giảm lượng khí thải và nhu cầu điện vẫn tăng.

Theo báo cáo, Việt Nam là quốc gia duy nhất “phục hồi xám” có điện mặt trời và điện gió đáp ứng tất cả nhu cầu điện gia tăng

Tăng trưởng nhu cầu điện nhanh nhất là ở Mông Cổ, Trung Quốc, Bangladesh và điện than đáp ứng một lượng lớn nhu cầu ở tất cả các nước này. Bangladesh là quốc gia duy nhất không có sự tăng trưởng năng lượng sạch. 

Việt Nam là quốc gia duy nhất “phục hồi xám” có điện mặt trời và điện gió đáp ứng tất cả nhu cầu điện gia tăng nhưng lượng phát thải CO2 của ngành điện vẫn tăng 4% do sự chuyển đổi từ điện khí sang điện than.

Nhà phân tích cấp cao của Ember, Tiến sĩ Muyi Yang cho biết: “Châu Á đang phát triển và phải tập trung vào việc đáp ứng mọi nhu cầu tăng trưởng bằng điện năng không phát thải carbon mới, như một bước đầu tiên trong hành trình hướng tới mục tiêu 100% điện sạch của khu vực trước giữa thế kỷ này. Châu Á đang phát triển và có thể bỏ qua việc sử dụng hóa thạch để chuyển thẳng sang sử dụng năng lượng tái tạo sạch, không tốn kém. Nhưng điều này còn phụ thuộc vào việc liệu khu vực có thể đẩy nhanh hơn nữa quá trình cung cấp điện sạch tất yếu của mình trong khi đồng thời sử dụng điện hiệu quả hơn hay không”.

Lan Anh