Định hướng tuyên truyền, truyền thông lĩnh vực tài nguyên môi trường năm 2024

Thứ ba, 5/3/2024 | 16:13 GMT+7
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã ban hành Công văn số 1263/BTNMT-VP về định hướng tuyên truyền, truyền thông lĩnh vực tài nguyên và môi trường năm 2024.

Việc tuyên truyền nhằm bám sát tinh thần chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước về tuyên truyền, truyền thông, báo chí để tạo sự đồng thuận xã hội, tạo động lực, khí thế, khát vọng và quyết tâm cao thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ về TN&MT được xác định tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thực thi hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ, chỉ tiêu về TN&MT tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết số 02/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024 và Chương trình hành động, kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của ngành TN&MT được đặt ra năm 2024.

Theo đó, Bộ TN&MT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, Sở TN&MT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền, truyền thông kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm các chủ đề, nội dung, nhiệm vụ, hoạt động nổi bật của ngành được cộng đồng xã hội quan tâm. Chủ động tuyên truyền chính sách về tài nguyên, môi trường; tăng cường nội dung thông tin đối ngoại và hội nhập quốc tế chủ đề TN&MT; ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên tuyền lan tỏa thông tin chủ đề TN&MT, góp phần quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và những thách thức toàn cầu.

Thông tin, tuyên tuyền góp phần sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, bảo vệ môi trường

Theo công văn, các nội dung tuyên truyền, truyền thông trọng tâm năm 2024 của ngành TN&MT bao gồm: tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2024; các quy định mới trong Luật tạo hành lang quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Các nội dung tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, nhận được nhiều sự quan tâm khi Luật đi vào cuộc sống; quá trình tổ chức thực hiện, xây dựng, ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai.

Tuyên truyền, phổ biến Luật Tài nguyên nước năm 2023; triển khai xây dựng, ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước. Triển khai thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch lưu vực sông đã được Chính phủ phê duyệt; đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên nước hiệu quả, bền vững; chủ động phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn do tác động của hiện tượng El Nino...

Bên cạnh đó, tiếp tục truyền thông thực hiện hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, chú trọng phổ biến chính sách pháp luật, hướng dẫn, giúp người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi theo hướng tiêu dùng xanh, thân thiện môi trường; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; đồng thời huy động sự tham gia của toàn dân trong công tác bảo vệ môi trường, sẵn sàng thực hiện phân loại rác tại nguồn trên phạm vi cả nước.

Truyền thông các kết quả thực hiện Đề án triển khai kết quả COP26, Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 - 2023, tầm nhìn đến năm 2025, Kế hoạch hành động giảm phát thải khí metan; thực hiện các sáng kiến, cam kết Việt Nam tham gia tại COP28 và Kế hoạch huy động nguồn lực triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JEPT). Tập trung xây dựng, tuyên truyền, tập huấn, trao đổi để doanh nghiệp và người dân hiểu về các quy định quản lý tín chỉ carbon tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon khu vực và thế giới. Các giải pháp chủ động ứng phó, thích ứng biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm sinh kế cho nhân dân, góp phần phát triển kinh tế bền vững của đất nước.

Triển khai Chương trình truyền thông về biển và đại dương đến năm 2030; kết quả thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; quá trình xây dựng, hoàn thiện trình cơ quan có thẩm quyền ban hành Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền thực hiện Chiến lược phát triển ngành khí tượng thủy văn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thực hiện Chỉ thị số 10- CT/TW ngày 25/9/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khí tượng thủy văn, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc và các văn bản có liên quan; kết hợp hài hòa các phương thức truyền thông để truyền tải thông tin khí tượng thủy văn kịp thời, đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ tiếp cận, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng vùng và từng đối tượng...

Truyền thông, giới thiệu vai trò, ứng dụng công nghệ viễn thám trong giám sát TN&MT; kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia phục vụ xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia và Chính phủ điện tử; ứng dụng công nghệ viễn thám, bản đồ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.

Truyền thông kết quả thực hiện chuyển đổi và phát triển kinh tế số TN&MT; kết nối, liên thông phục vụ phát triển Chính phủ điện tử; vận hành hạ tầng số tập trung, chia sẻ dữ liệu của ngành và quốc gia, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh. Giới thiệu các thành tựu, nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình, hiến kế hiệu quả; đẩy mạnh cải cách hành chính, thông tin đối ngoại và hội nhập quốc tế về TN&MT.

Phương An