Nông nghiệp sạch

Định hướng xây dựng ngành nông nghiệp an toàn, chất lượng cao

Thứ ba, 27/9/2022 | 17:24 GMT+7
Ngày 27/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Thành ủy với đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội năm 2022.

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng ghi nhận, đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu khi đóng góp các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội cho thành phố.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, Bí thư Thành ủy đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp Hội Nông dân thành phố Hà Nội cần tập trung tuyên truyền định hướng lớn về thực hiện chính sách “tam nông” (nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh).

Bên cạnh đó, ông Đinh Tiến Dũng cũng đề cao tầm quan trọng của phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; giao Hội Nông dân thành phố chủ động xây dựng “Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023 - 2025”.

Đặc biệt, Hội cần quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trở thành những nông dân chuyên nghiệp, là những hạt nhân dẫn dắt phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng người nông dân Thủ đô chuyên nghiệp gắn với khởi nghiệp sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị đối thoại giữa Thường trực Thành ủy với đại biểu Hội Nông dân thành phố Hà Nội năm 2022

Ông Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới.

Tư vấn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, tham gia xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm nông nghiệp; khuyến khích nông dân liên kết, tích tụ ruộng đất tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, sản xuất sản phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng. Đặc biệt, khẩn trương rà soát diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, không canh tác để có giải pháp giải quyết hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực.

Các cấp Hội cần tiếp tục vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

Về mục tiêu phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao và môi trường sống xanh, lãnh đạo thành phố yêu cầu, trước mắt đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND huyện, thị xã triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, định hướng phát triển nông nghiệp tại địa phương bám sát theo chương trình, kế hoạch đã ban hành; hướng dẫn người dân tổ chức lại sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm, chỉnh trang đồng ruộng xanh, sạch, đẹp đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch của người dân.

Thời gian tới, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng giao Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo thực hiện các chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ các hộ nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, áp dụng quy trình công nghệ tiên tiến, xây dựng thương hiệu sản phẩm, ứng dụng tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Đẩy nhanh thực hiện các chương trình của thành phố về giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, về chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Tiếp tục đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, đào tạo nghề và dạy nghề cho lao động nông thôn; cuộc vận động xây dựng nếp sống văn hóa mới, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Đồng thời, tạo điều kiện để Hội Nông dân thành phố xây dựng các loại mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu hội nhập. Quan tâm bố trí các nguồn lực để Hội Nông dân tham gia vào những mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn chất lượng cao và tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tạo điều kiện để phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” ngày càng phát triển, mang lại hiệu quả thiết thực.

Đối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương, Sở Tài chính cần tham mưu đề xuất với UBND thành phố phê duyệt đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân tham gia xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch nông nghiệp sinh thái trải nghiệm”; đề án “Xây dựng mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rác thải hữu cơ sinh hoạt, phế phụ phẩm nông nghiệp làm phân bón cho cây trồng và xử lý ô nhiễm môi trường chăn nuôi trong các hộ nông dân”; đề án “Nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp”; đề án “Nâng cao vai trò của Hội Nông dân các cấp thành phố Hà Nội trong tham gia xây dựng phát triển và nâng cao hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tập thể đến năm 2025”; đề án “Hội Nông dân thành phố tham gia Chương trình xúc tiến, tiêu thụ nông sản an toàn của nông dân Thủ đô”.

Lâm Bảo