Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau Góp phần đảm bảo nguồn cung khí hóa lỏng

Thứ hai, 22/5/2017 | 17:26 GMT+7
Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau (GPP) công suất 6,2 triệu m3/ngày sẽ kết thúc giai đoạn chạy thử và chính thức đi vào sản xuất thương mại trong tháng 6/2017.

Công nghệ hiện đại, hiệu suất thu hồi sản phẩm cao

Chúng tôi đến dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau tại Khu công nghiệp Khánh An, xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau vào ngày cuối tháng tư. Đây là dự án có quy mô lớn, nằm trong Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam định hướng đến năm 2025. Dẫn chúng tôi đi tham quan nhà máy xử lý khí công suất 6,2 triệu m3 khí/ngày với những đường ống chạy dài, hệ thống kho có sức chứa 8.000 tấn LPG, 3.000 m3 condensate và hệ thống cảng xuất sản phẩm lỏng, ông Nguyễn Tiến Hải - Phó trưởng Ban quản lý dự án nhà máy - cho biết, đến cuối tháng 4/2017, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng công việc. Công tác chạy thử nhà máy được thực hiện từng bước theo nhiều giai đoạn/hệ thống khác nhau. Dự án đã chạy thử được 2,5 triệu giờ an toàn và không xảy ra bất cứ một sự cố nào.

Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau có tổng mức đầu tư 300 triệu USD do Tổng công ty Khí Việt Nam (PV Gas) làm chủ đầu tư. Dự án được xây dựng nhằm giúp chế biến sâu nguồn khí khai thác từ mỏ PM3, lô 46-CN và cho ra các sản phẩm có giá trị cao là khí hoá lỏng LPG và hỗn hợp hydrocarbon lỏng Condensate. Với công nghệ hiện đại nhất hiện nay của UOP (Mỹ), Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau có hiệu suất thu hồi sản phẩm lên tới 97%, cao hơn nhiều so với dự án xử lý khí Dinh Cố trước đó. Đặc biệt, với công nghệ xử lý nước thải tiên tiến nhất hiện nay của Greentech cũng như dự án không sử dụng hoá chất để súc rửa đường ống nên nguồn nước thải từ nhà máy sau khi qua khu vực xử lý hoàn toàn đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Góp phần đảm bảo nguồn cung khí hoá lỏng

Nhà máy xử lý khí Cà Mau khi đi vào hoạt động sẽ được Công ty Khí Cà Mau - thuộc Tổng công ty Khí Việt Nam tiếp nhận quản lý. Được thành lập năm 2006, Công ty Khí Cà Mau có nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, tàng trữ và phân phối khí ẩm và khí khô thương phẩm cho Nhà máy điện dầu khí Cà Mau 1, 2 và Nhà máy đạm Cà Mau. Công ty Khí Cà Mau đã áp dụng hiệu quả hệ thống quản lý tích hợp an toàn - sức khỏe - môi trường (AT-SK-MT) theo tiêu chuẩn quốc tế: hệ thống về quản lý chất lượng - ISO 9001, hệ thống về quản lý môi trường - ISO 14001 và hệ thống về quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp - OHSAS 18001.

Từ khi đi vào vận hành tới nay, Công ty Khí Cà Mau luôn đảm bảo an toàn trong vận hành công trình khí và những nhiệm vụ liên quan như: kiểm soát rủi ro; kiểm tra, đánh giá, ứng cứu sự cố; bảo dưỡng sửa chữa; bảo vệ môi trường; chăm sóc sức khỏe người lao động…, không để xảy ra bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào gây ảnh hưởng tới con người, tài sản và môi trường. Công tác vận hành đảm bảo an toàn liên tục, sản lượng khí cấp cho các hộ tiêu thụ vượt kế hoạch đề ra.

Do đặc thù của ngành công nghiệp khí có hệ thống đường ống trải dài ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, trên bờ, dưới biển,… nên các sự cố liên quan đến đường ống dẫn khí do tác động từ bên ngoài, ngoài tầm kiểm soát luôn là nỗi lo thường trực, cần rất nhiều biện pháp mới có thể ngăn ngừa, đề phòng và giải quyết kịp thời. Để bảo vệ hệ thống khí PM3 Cà Mau, Công ty Khí Cà Mau đã có nhiều chương trình phối hợp chủ động, thiết thực và hiệu quả với địa phương và các ngành liên quan. Qua các năm, số lượng các vụ việc vi phạm an ninh - an toàn tuyến ống trên bờ đã giảm đáng kể.

Nhà máy xử lý khí Cà Mau hoàn thành và đưa vào hoạt động sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt LPG tại thị trường Việt Nam, giảm lượng LPG phải nhập khẩu hàng năm, nâng cao giá trị của khí tự nhiên từ cụm mỏ PM3-CAA, đóng góp thêm cho ngân sách địa phương; đồng thời giúp Tổng công ty Khí Việt Nam thực hiện được mục tiêu là đơn vị chủ đạo trong ngành công nghiệp khí trong nước và phát triển ra thị trường quốc tế.

Khi đi vào hoạt động chính thức trong tháng 6/2017, Nhà máy xử lý khí Cà Mau sẽ sản xuất được 600 tấn khí hoá lỏng LPG/ngày và 34 tấn condensate/ngày, góp phần đảm bảo nguồn cung khí hoá lỏng và condensate cho thị trường trong nước.

Kim Liên