Nước lọc
Nước lọc là lựa chọn tốt nhất cho người mắc bệnh đái tháo đường vì nước lọc không chứa calo nhưng hydrat hóa trong nước lại kiểm soát lượng đường trong máu. Uống nước lọc có liên quan đến việc giảm 6% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type 2. Nước lọc thúc đẩy giải phóng một loại acid amin ảnh hưởng đến việc điều chỉnh lượng đường trong máu.

Do đó, nên chuyển từ đồ uống có đường (chẳng hạn như soda) sang nước lọc, vì điều này làm giảm lượng đường và calo nạp vào, giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Trà xanh
Tiêu thụ trà xanh đã được chứng minh là làm giảm nhẹ lượng đường huyết lúc đói. Catechin trong trà có thể ngăn chặn sự hấp thụ carbohydrate trong quá trình tiêu hóa, cải thiện chuyển hóa glucose và giảm stress oxy hóa, giúp giảm lượng đường trong máu.
Tuy nhiên, không phải tất cả nghiên cứu đều cho thấy kết quả khả quan. Một số nghiên cứu không thấy trà xanh ảnh hưởng tích cực đến lượng đường huyết lúc đói hoặc các dấu hiệu đường huyết khác ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Dù vậy, trà xanh vẫn là thức uống không calo, không đường, tốt cho việc ổn định lượng đường huyết.
Nước ép mướp đắng

Nước ép mướp đắng giúp cân bằng lượng đường trong máu. Nó rất giàu charantin, có đặc tính ngừa đái tháo đường và làm giảm lượng đường trong máu. Nó cũng chứa các chất hoạt động giống như insulin, giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường một cách tự nhiên.
Nước ép cà chua
Trong một nghiên cứu nhỏ đánh giá 25 phụ nữ khỏe mạnh, những người uống khoảng 200 ml nước ép cà chua 30 phút trước khi ăn sáng giàu carbohydrate có lượng đường trong máu thấp hơn sau bữa ăn so với những người uống nước lọc. Chất xơ trong cà chua có thể giúp làm chậm quá trình tiêu hóa do đó làm chậm sự gia tăng lượng đường trong máu xảy ra sau khi ăn.
Sữa
Protein trong sữa, bao gồm casein và whey giúp làm chậm quá trình tiêu hóa, cải thiện phản ứng insulin do đó có tác động tích cực đến lượng đường trong máu. Hiệp hội Tiểu đường Mỹ khuyến nghị nên chọn sữa không béo hoặc ít béo để kiểm soát chất béo bão hòa.

Tuy nhiên, sữa chứa carbohydrate (khoảng 12 gram carbohydrate trên một cốc sữa 1%). Vì vậy, hãy tính lượng carbohydrate này vào mục tiêu carbohydrate trong bữa ăn hoặc bữa phụ nếu mắc bệnh tiểu đường.
Cùng với việc lựa chọn đồ uống giúp kiểm soát đường huyết, chúng ta cũng nên thực hiện những lời khuyên sau từ chuyên gia:
Ăn các bữa ăn và bữa phụ thường xuyên vì việc bỏ bữa quá lâu có thể khiến lượng đường trong máu giảm.
Duy trì thói quen tập thể dục. Cơ bắp hấp thụ glucose (đường huyết) khi chúng ta vận động. Đi bộ là một cách hiệu quả để giảm lượng đường trong máu, đặc biệt là đi bộ sau bữa ăn.
Ăn các bữa ăn cân bằng, đúng khẩu phần. Tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu. Ăn cùng một loại thực phẩm đó với các nguồn protein và chất béo lành mạnh sẽ làm giảm phản ứng đường huyết.