Dự án Việt Nam xanh: Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường

Thứ bảy, 20/4/2024 | 23:54 GMT+7
Mới đây, tại TPHCM, Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Liên minh tái chế bao bì Việt Nam và các đơn vị liên quan phối hợp triển khai dự án truyền thông và sự kiện “Việt Nam xanh”.

Dự án nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng và doanh nghiệp về tầm quan trọng của bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; khuyến khích các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp áp dụng giải pháp sản xuất, kinh doanh thân thiện với môi trường; biểu dương, lan tỏa những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có mô hình, sản phẩm hướng đến phát triển bền vững.

Chương trình sẽ diễn ra liên tục trong nhiều năm với nhiều hoạt động phong phú, đa dạng bao gồm: tổ chức các hội thảo, tọa đàm về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; phát động các chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường...; công bố các giải thưởng cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phát triển bền vững; tổ chức hoạt động trải nghiệm, giáo dục môi trường cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau.

Dự án truyền thông và sự kiện “Việt Nam xanh”

Trong khuôn khổ dự án còn có hội thảo Thị trường tín chỉ carbon - Động lực xây dựng Việt Nam xanh. Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Liên minh tái chế bao bì Việt Nam nhấn mạnh, dự án nhằm hưởng ứng các hoạt động vì môi trường, phát động và truyền tải các thông điệp của chiến dịch đến cộng đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia chưa quản lý tốt rác thải nhựa; lượng rác thải nhựa không được tái chế gây lãng phí cho nền kinh tế ước tính gần 3 tỷ USD mỗi năm.

Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp xử lý vấn đề rác thải nhựa, từ nâng cao nhận thức đến hoàn thiện thể chế và tổ chức thực hiện; tuy nhiên, nhiệm vụ cấp bách này rất cần sự hợp tác và nỗ lực từ mọi tầng lớp trong xã hội.

Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, việc đề xuất lựa chọn các dự án thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon và triển khai hoạt động mua bán tín chỉ carbon trên địa bàn TPHCM mang đến nhiều cơ hội. Trong đó, hoạt động mua bán tín chỉ carbon sẽ thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào dự án xanh tại thành phố, tạo ra việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn nhiều thách thức cần phải giải quyết trong việc thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon. Do đó, các địa phương cần có sự hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính và các cơ quan chuyên ngành để xử lý thách thức nêu trên; cần tăng cường đào tạo và tập huấn cho doanh nghiệp, tổ chức và cán bộ công chức về thị trường tín chỉ carbon; tăng cường hợp tác với các quốc gia, quốc tế có kinh nghiệm để triển khai hiệu quả thị trường tín chỉ carbon…

Ngọc Mai (T/H)