Bất động sản

Dự án Vườn Vạn Tuế, Hưng Yên: Xây chui nhưng rao bán công khai (Bài 4)

Thứ sáu, 10/1/2020 | 14:43 GMT+7
Tọa lạc tại hai xã Phụng Công và Xuân Quan, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế (tên gọi khác là Sago Palm Garden) do Công ty CP Thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (viết tắt là Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư.

Trên nhiều các trang thông tin về bất động sản, dự án này đang được quảng cáo và rao bán một cách rầm rộ với giá từ 40 - 60 triệu đồng/m2 (chưa kể chi phí xây dựng) tuỳ thuộc vào vị trí của từng căn biệt thự, nhà phố. Như vậy để mua được một căn nhà ở dự án này khách hàng phải bỏ ra trên 2,5 tỷ đồng trở lên để sở hữu một căn nhà. Các môi giới cho biết, dự án này được xây dựng và mở bán, ký hợp đồng mua bán với khách hàng từ cuối năm 2018. Đến nay, nếu có nhu cầu, khách phải mua lại của người khác thông qua hợp đồng chuyển nhượng.

Thông tin rao bán giới thiệu, dự án Sago Palm Garden có vị trí kết nối giao thông với đường đê Bát Tràng và kết nối sử dụng chung hạ tầng giao thông và các công trình công cộng với khu đô thị Ecopark như: trường học, khu vui chơi giải trí công viên, bến thuyền, các khu trường đại học Anh và đại học Tokyo... Đặc biệt, dự án nằm sát khu biệt thự đảo Ecopark.

Theo thông tin đã đưa, toàn bộ diện tích 50.743m2 thực hiện dự án Sago Palm Garden nằm trên diện tích dự án nhà máy sản xuất gạch ngói tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang. Đầu 2016, được sự đồng ý của UBND tỉnh Hưng Yên, Công ty CP thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) đã thay thế Công ty CP Vật liệu Xây dựng Văn Giang trở thành chủ đầu tư dự án nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang.

Sau chưa đến 1 năm có quyết định chủ trương đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel (ngày 29/2/2016), Công ty Đại Hưng đã xin chuyển đối mục đích sử dụng đất xây dựng nhà máy thành đất xây dựng đô thị với lý do được nêu đầy nhân văn: “không ảnh hưởng tới mỹ quan khu đô thị Ecopark...” và được UBND tỉnh Hưng Yên đồng ý về chủ trương, điều chỉnh tên, mục tiêu dự án đầu tư. Dự án cần phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của huyện Văn Giang; có quy hoạch chi tiết xây dựng, kiến trúc cảnh quan đô thị và kết cấu hạ tầng đồng bộ, tuân thủ quy định về đăng ký biến động đất đai, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục pháp lý… trước khi thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Dự án chưa có giấy phép nhưng được giao bán trên mạng với giá cao hơn thị trường

Thế nhưng, nhiều người dân phản ánh, dự án khu biệt thự và nhà phố vườn Vạn Tuế – Sago Palm Garden vẫn chưa được UBND tỉnh Hưng Yên chấp thuận điểu chỉnh chủ trương đầu tư dự án, chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý tuy nhiên chủ đầu tư là Công ty Đại Hưng đã tiến hành xây dựng, hoàn thiện phần thô hàng trăm các căn biệt thự liền kề và ký hợp đồng mua bán với khách hàng.

Trước những “lùm xùm” tại dự án, ngày 21/8/2019, UBND tỉnh Hưng Yên có văn bản số 2136/UBND-TH gửi các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND huyện Văn Giang yêu cầu Công ty Đại Hưng phải dừng ngay các hoạt động xây dựng công trình, các giao dịch, mua bán, kinh doanh bất động sản của dự án đầu tư xây dựng khu biệt thự và nhà phố Vạn Tuế - Sago Palm Garden khi chưa hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự tại khu vực dự án và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. UBND tỉnh Hưng Yên cũng giao các sở ban ngành có liên quan tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo và hướng dẫn cho nhà đầu tư dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế thực hiện các thủ tục về đầu tư, xây dựng đất đai theo đúng luật.

Tuy nhiên, theo nhiều người dân ở huyện Văn Giang, sau văn bản này, việc thi công, mua bán dự án vẫn diễn ra bình thường, chính quyền địa phương có dấu hiệu buông lỏng quản lý khi để doanh nghiệp xây dựng chui hơn 200 căn nhà biệt thự, liền kề.

Theo thông tin PV nhận được, chủ đầu tư dự án 200 căn biệt thự, liền kề xây “chui”, bán công khai ở Hưng Yên là Công ty CP Thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng. Chủ tịch của Đại Hưng là đại gia Nguyễn Công Huy, sinh năm 1990. Công ty có trụ sở tại Thôn Đầu, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vốn điều lệ khoảng 30 tỷ đồng. Lần tăng vốn gần nhất của Đại Hưng là năm 2015: từ 25 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng.

Công ty CP Vật liệu xây dựng Văn Giang (VMC) được thành lập từ năm 2002 với vốn điều lệ ban đầu chỉ 3,5 tỷ đồng là tiền thân của Công ty Đại Hưng. Từ thời gian đầu thành lập, ông Nguyễn Tiến Mạnh (1946) giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Đại Hưng. Ông Mạnh cũng là người đại diện phần vốn tại VMC do Công ty Tân Xuyên nắm giữ. Công ty Tân Xuyên được biết đến với thương hiệu TAXUCO, chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước là Công ty Tân Xuyên thuộc Tổng công ty Thuỷ tinh và Gốm xây dựng (Viglacera) năm 2004. Từ sau năm 2011, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Đại Hưng liên tục thay đổi song ông Nguyễn Tiến Mạnh vẫn đang là Tổng giám đốc công ty. Theo đó, năm 2011 - 2013 - 2014 - 2015 các vị trí này được thay đổi lần lượt cho các ông/bà Nguyễn Khoát Hải - Đào Xuân Ban - Phạm Bá Đại - Nguyễn Thị Chiến. Tới tháng 7/2016 đến nay, vị trí Chủ tịch được chuyển lại cho ông Nguyễn Công Huy.

Trong khi đó, Công ty Đại Hưng có 14 cổ đông sáng lập và hầu hết đều là cá nhân. Hiện các cá nhân này vẫn đang nắm giữ cổ phần tại Đại Hưng. Tuy vậy, 14 cá nhân này cũng chỉ nắm 6,9 tỷ/30 tỷ vốn của Đại Hưng (mệnh giá cổ phần 100.000 đồng). Như vậy, ai nắm giữ 77% vốn còn lại của Đại Hưng hiện vẫn đang là bí ẩn. Theo một số nguồn tin, Chủ tịch của công ty Đại Hưng là thiếu gia của đại gia bất động sản Nguyễn Công Hồng.

Được biết, ông Nguyễn Công Hồng sinh năm 1960. Ông Hồng hiện là Phó Tống giám đốc Tập đoàn Ecopark kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland.

Dự án đang trong quá trình hoàn thiện để giao đến khách hàng

Hiện dự án đã thi công gần như hoàn thiện đường nội bộ, điện chiếu sáng, cây xanh; các căn liền kề, biệt thự đã hoàn thiện phần xây thô. Các cổng ra vào của dự án được kết nối trực tiếp với hạ tầng của khu đô thị Ecopark, có bảo vệ, gác chắn. Một dự án với 200 căn biệt thự được xây dựng không phép, ngang nhiên tồn tại và đang rao bán rầm rộ khiến dư luận đặt câu hỏi: các cấp chính quyền tỉnh Hưng Yên đang ở đâu?

PV