Bất động sản

Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden Hưng Yên: Từ dự án nhà máy gạch thành khu biệt thự xây chui (bài 3)

Thứ ba, 31/12/2019 | 14:49 GMT+7
Từ cuối năm 2018, trên thị trường bất động sản đã xuất hiện các thông tin rao bán dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế – Sago Palm Garden (viết tắt là dự án Vườn Vạn Tuế) do Công ty CP thương mại sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng (Công ty Đại Hưng) làm chủ đầu tư. Các sản phẩm được rao bán là nhà phố diện tích từ 80m2, 100m2 và 135m2; biệt thự diện tích từ 162m2 đến hơn 200m2.

Chủ đầu tư dự án Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế – Sago Palm Garden ở Hưng Yên là Công ty CP Thương mại Sản xuất vật liệu xây dựng Đại Hưng. Công ty có trụ sở tại Thôn Đầu, xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, vốn điều lệ khoảng 30 tỷ đồng. Lần tăng vốn gần nhất của Đại Hưng là năm 2015 từ 25 tỷ đồng lên 30 tỷ đồng. Từ sau năm 2011, vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty Đại Hưng liên tục thay đổi song ông Nguyễn Tiến Mạnh vẫn đang là Tổng giám đốc công ty. Từ tháng 7/2016 đến nay, vị trí Chủ tịch được chuyển lại cho ông Nguyễn Công Huy.

Được biết, Công ty Đại Hưng có 14 cổ đông sáng lập và hầu hết đều là cá nhân, hiện các cá nhân này vẫn đang nắm giữ cổ phần tại Đại Hưng. Tuy vậy, 14 cá nhân này cũng chỉ nắm 6,9 tỷ/30 tỷ vốn của Đại Hưng (mệnh giá cổ phần 100.000 đồng). Như vậy, ai năm giữ 77% vốn còn lại của Đại Hưng hiện vẫn đang là bí ẩn. Theo một số nguồn tin, Chủ tịch của công ty Đại Hưng là con trai của đại gia bất động sản Nguyễn Công Hồng. Không có nhiều thông tin về vị chủ tịch 9x này. Tuy nhiên, với dự án khu biêt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế (Sago Palm Garden) có thể khẳng định, doanh nghiệp của vị Chủ tịch trẻ tuổi này đang sở hữu một khối tài sản không nhỏ.

Khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden Hưng Yên đang trong quá trình hoàn thiện

Theo như thông tin đã đưa, dự án Vườn Vạn Tuế (Sago Palm Garden) chưa có quyết định chủ trương đầu tư nhưng dự án đi vào giai đoạn hoàn tất cuối cùng để bàn giao cho khách hàng. Điều đáng nói, dự án được xây dựng trên diện tích từng được phê duyệt chủ trương đầu tư là dự án nhà máy sản xuất gạch ngói tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang.

Năm 2016, UBND tỉnh Hưng Yên ban hành Quyết định nêu rõ: chủ trương đầu tư dự án nhà máy sản xuất gạch ngói Tuynel cho Công ty Đại Hưng địa chỉ trụ sở tại xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên do bà Nguyễn Thị Chiến là Chủ tịch Hội đồng quản trị đồng thời là người đại diện pháp luật. Tổng vốn đầu tư dự án là 30,2 tỷ đồng, quy mô dự án là 15 triệu viên một năm, diện tích là khu đất 50.743 m2.

Công ty Đại Hưng được ưu đãi về thuế xuất nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu, ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất theo quy định hiện hành của pháp luật về đất đai. Nhà đầu tư phải triển khai dự án theo đúng mục tiêu, quy mô và tiến độ đăng ký. Tuy nhiên 4 tháng sau, Công ty Đại Hưng có văn bản gửi UBND tỉnh Hưng Yên xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất thực hiện dự án nhà máy sản xuất gạch ngói trên sang mục đích thực hiện dự án khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế - Sago Palm Garden.

Đến ngày 16/11/2016, Tỉnh ủy Hưng Yên ra thông báo số 389-TB/TU về việc điểu chỉnh tên, mục tiêu dự án đầu tư của Công ty Đại Hưng trên địa bàn huyện Văn Giang, đồng ý về chủ trương và các bước thực hiện dự án cần phải phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất của huyện Văn Giang; có quy hoạch chi tiết xây dựng, kiến trúc cảnh quan đô thị và kết cấu hạ tầng đồng bộ, tuân thủ quy định về đăng ký biến động đất đai, chủ đầu tư phải hoàn thành các thủ tục pháp lý… trước khi thực hiện các bước tiếp theo của dự án.

Ngày 18/4/2018, UBND tỉnh Hưng Yên có Quyết định số 979/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500 khu biệt thự và nhà phố Vườn Vạn Tuế với quy mô 60.317m2. Theo nguồn tin phóng viên có được, vào thời điểm hiện tại, dự án Sago Palm Garden vẫn chưa có quyết định chủ trương đầu tư.

Trước việc một dự án với 200 căn biệt thự đã được xây dựng không phép ngang nhiên tồn tại và đang rao bán rầm rộ dư luận đặt ra câu hỏi các cấp chính quyền tỉnh Hưng yên đang ở đâu, trách nhiệm thế nào? Từ dự án nhà máy gạch chuyển sang dự án bất động sản liệu có phải chiêu lách luật của chủ đầu tư để được hưởng nhiều ưu đãi?

PV