Sáng 29/6, tại xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng, Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng phối hợp liên danh nhà đầu tư, gồm Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng giao thông T&T, Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Phương Trang (Futa group), Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, chính thức khởi công dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương theo phương thức đối tác công tư, giai đoạn 1.
Sức bật và động lực tăng trưởng mới
Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: “Việc hoàn thành dự án này sẽ giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng quá tải, ách tắc thường xuyên, vốn được xem là “nút thắt cổ chai” trên Quốc lộ 20 hiện hữu. Quan trọng hơn, nó không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển mà còn kích hoạt và phát huy tối đa hiệu quả của các đoạn tuyến đã và đang được đầu tư như Dầu Giây - Tân Phú, Tân Phú - Bảo Lộc. Giá trị của dự án không chỉ nằm ở 74 km của nó, mà ở chỗ nó giải phóng tiềm năng cho cả hành lang kinh tế chiến lược dài hàng trăm cây số, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho cả vùng”.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và lãnh đạo bộ, ngành Trung ương, địa phương, cùng nhà đầu tư thực hiện nghi thức khởi công dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ kỳ vọng, tuyến cao tốc này sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ, tạo sức bật mới cho các ngành kinh tế mũi nhọn của Lâm Đồng và các tỉnh lân cận. Đây là cơ hội để quy hoạch lại các vùng sản xuất, hình thành các khu đô thị vệ tinh, các trung tâm logistics hiện đại gắn với Cảng hàng không quốc tế Liên Khương. Đây là tiền đề để du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng cất cánh, thu hút dòng khách chất lượng cao; để nông sản công nghệ cao của Bảo Lộc, Di Linh, Đức Trọng kết nối thẳng tới các thị trường lớn trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại Lễ khởi công dự án cao tốc đường bộ Bảo Lộc-Liên Khương
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho rằng, hai điều kiện tiên quyết để thành công đối với một công trình lớn như dự án này là phải được bố trí vốn đầy đủ và phải được bàn giao mặt bằng sạch kịp thời. Cùng với đó là các yêu cầu phải thực hiện cho bằng được, như phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, an toàn, kỹ thuật, mỹ thuật, môi trường vệ sinh và an toàn lao động; không được đội vốn bất hợp lý, không chia nhỏ gói thầu; chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm từ khâu xây dựng dự án, phê duyệt, thi công, giám sát, kiểm tra, nghiệm thu…; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân, doanh nghiệp; kịp thời khen thưởng khi làm tốt và xử lý nghiêm sai phạm kịp thời khi làm không tốt.

Đại biểu là lãnh đạo Trung ương tham dự Lễ khởi công
“Mạch nối” chiến lược, mở trục phát triển không gian kinh tế mới
Dự án đường cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương là hợp phần cuối vô cùng quan trọng trong của tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương – 1 trong 10 tuyến cao tốc quốc gia khu vực phía Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch 1454 ngày 01/9/2021. Đây là tuyến huyết mạch chiến lược, góp phần kết nối từ TP.HCM – Đồng Nai – Bảo Lộc – Đà Lạt và mở rộng ra đến các cảng biển như Phan Thiết, Cam Ranh, Phú Mỹ, sân bay Long Thành và toàn vùng Nam Trung Bộ.

Đại biểu tham dự Lễ khởi công
Như Tạp chí Năng lượng Sạch Việt Nam đã thông tin, tuyến cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương có tổng chiều dài 73,62 km, điểm đầu tại phường Lộc Phát, TP. Bảo Lộc và điểm cuối giao với cao tốc Liên Khương – Prenn (dẫn vào TP Đà Lạt) tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng. Tuyến cao tốc được thiết kế quy mô 4 làn xe; trong giai đoạn 1 nền đường rộng 17m (4 làn xe hạn chế, tốc độ khai thác 80 km/h), khi hoàn thiện sẽ mở rộng nền đường lên 24,75m với 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh (vận tốc thiết kế 100 km/h).
Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) loại hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT), với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 17.718 tỷ đồng. Thời gian thi công xây dựng dự kiến là 30 tháng, và sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ được vận hành, khai thác thu phí trong thời gian 19 năm 10 tháng trước khi chuyển giao cho Nhà nước quản lý.

Đông đảo đại biểu Trung ương, địa phương và các nhà đầu tư tham dự buổi Lễ khởi công
Trong bối cảnh tỉnh Lâm Đồng mới được hình thành trên cơ sở sáp nhập của ba địa phương nhiều tiềm năng là Lâm Đồng – Đắk Nông – Bình Thuận, trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước, tuyến cao tốc Bảo Lộc – Lâm Đồng càng mang ý nghĩa đặc biệt. Tỉnh Lâm Đồng mới hội tụ đầy đủ lợi thế về vị trí địa lý từ ba tiểu vùng: cao nguyên - thuận lợi phát triển nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái; trung du - giàu tài nguyên cho công nghiệp khai khoáng và năng lượng; vùng duyên hải - tiềm năng lớn về logistics, xuất khẩu và năng lượng tái tạo.
Đại diện liên danh nhà đầu tư, ông Doãn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP BOT Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực để triển khai thi công đảm bảo an toàn, chất lượng và hoàn thành dự án đúng tiến độ, đúng quy chuẩn kỹ thuật; tôn trọng và gìn giữ môi trường sinh thái, cảnh quan, đời sống người dân dọc tuyến; đồng hành lâu dài cùng tỉnh Lâm Đồng để khai thác hiệu quả hạ tầng, phát triển dịch vụ phụ trợ, thu hút đầu tư thứ cấp.

Ông Doãn Tuấn Anh đại diện nhà đầu tư cam kết
Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho rằng, việc khởi công xây dựng cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương là thực hiện được ước mơ, mong đợi, trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh Lâm Đồng.
Ông Trần Hồng Thái, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, việc khởi công xây dựng tuyến đường Cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương là thực hiện được ước mơ, mong đợi, trăn trở của bao thế hệ lãnh đạo, các cấp chính quyền và nhân dân tỉnh nhà. Tỉnh Lâm Đồng cam kết luôn đồng hành cùng nhà đầu tư, tập trung chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trong quá trình thi công dự án; tiếp tục tuyên truyền đến nhân dân trong vùng dự án về ý nghĩa và tầm quan trọng của dự án; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho dự án sớm hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng.

Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái phát biểu tại Lễ khởi công
“Dự án cao tốc Bảo Lộc – Liên Khương không chỉ là tuyến đường giao thông mà còn là con đường phát triển, là biểu tượng cho sự đồng thuận, quyết tâm và khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Lâm Đồng. Mỗi con đường được mở ra là một chân trời mới được rộng mở, mỗi công trình hoàn thành là một bước tiến vững chắc trên hành trình đưa đất nước vươn xa, vươn cao”, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Kinh tế tư nhân tiên phong hiện thực hóa Nghị quyết phát triển quốc gia
Việc triển khai cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương không chỉ là bước tiến về hạ tầng giao thông mà còn là minh chứng cho vai trò tiên phong của kinh tế tư nhân trong hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược quốc gia. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP với sự tham gia của 3 doanh nghiệp tư nhân lớn, trong đó T&T Group có vai trò nòng cốt, tiếp tục thể hiện rõ cam kết trở thành lực lượng tiên phong trong hiện thực hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao quà tặng đại diện công nhân thi công dự án
T&T Group đang được biết tới là một tập đoàn kinh tế tư nhân chủ lực về các dự án hạ tầng quy mô lớn theo hướng đa ngành: hạ tầng năng lượng, cảng biển, logistics, cảng hàng không, công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay… và giờ đây là hạ tầng giao thông đường bộ với cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương.
Cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương là mắt xích quan trọng trong hệ sinh thái hạ tầng giao thông - logistics của T&T Group. Tập đoàn đang từng bước triển khai mô hình logistics tích hợp theo chuẩn quốc tế, với hạ tầng đường bộ là cấu phần liên kết với các trung tâm logistics, cụm công nghiệp, cảng cạn, cảng biển và sân bay, và đặc biệt là tổ hợp công nghiệp hàng không - logistics - dịch vụ - thương mại - đô thị sân bay.

Phối cảnh tuyến cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương
Trong hệ sinh thái này, có thể kể đến Cảng Quảng Ninh, cảng biển sâu có khả năng tiếp nhận tàu tải trọng đến 85.000 DWT, công suất xếp dỡ lên 7,5 triệu tấn/năm; “siêu cảng” logistics thông minh tại Vĩnh Phúc - Vietnam SuperPort™; rộng hơn 100 ha, tích hợp hạ tầng cảng cạn - kho ngoại quan - công nghệ AI tự động hoá, công suất khoảng 850.000 TEU/năm; cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ tại Hà Nội đang phát triển theo mô hình logistics công nghệ cao…

Mọi người đều rất quan tâm đến hướng tuyến cao tốc đường bộ Bảo Lộc-Liên Khương
Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Và trong Đại hội XIV tới đây, đột phát về kết cấu hạ tầng vẫn là một yêu cầu lớn đặt ra bởi thực tiễn đã chứng minh, hạ tầng phát triển tới đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới tới đó, tạo ra các giá trị mới, thúc đẩy kinh tế - xã hội bứt phá đi lên.

Phối cảnh tuyến cao tốc vào địa phương Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng
Với quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị, từ đầu nhiệm kỳ tới nay, cả nước đã hoàn thành thêm hơn 1.100 km để đưa vào khai thác tổng số 2.268 km đường bộ cao tốc. Chúng ta đang hết sức nỗ lực để thực hiện thành công mục tiêu lớn của cả nước đưa vào khai thác tối thiểu 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc.

Thực hiện nghi thức động thổ khởi công dự án cao tốc Bảo Lộc-Liên Khương sáng ngày 29/6/2025