Sản phẩm, công nghệ

Dự án làm giấy từ thân cây chuối góp phần bảo vệ môi trường

Thứ năm, 24/12/2020 | 16:27 GMT+7
Ý tưởng làm ra loại giấy có thể phân hủy, không dùng chất tẩy hay chất tạo màu đã giúp nhóm sinh viên Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM chiến thắng cuộc thi khởi nghiệp quốc gia SV-STARTUP 2020.

Dự án "Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì" (làm giấy từ thân cây chuối) do nhóm sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM bao gồm Trịnh Ngọc Vân Anh, Lê Thị Bích Phượng, Phạm Thái Bình, Trần Út Thương và Lê Thụy Tường Vân nghiên cứu, dưới sự hướng dẫn của TS. Hoàng Thị Tuyết Nhung, giảng viên khoa Công nghệ hóa học và Thực phẩm.

Trịnh Ngọc Vân Anh, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, sinh ra ở vùng quê Nam Bộ, Vân Anh và các bạn trong nhóm gắn bó với rất nhiều sản phẩm nông nghiệp và chứng kiến nhiều phế phẩm bị bỏ phí. Tìm hiểu rộng ra, nhóm thấy lượng phế phẩm nông nghiệp của Việt Nam ở khoảng 60 - 70 triệu tấn mỗi năm. 80% trong đó chưa được sử dụng, bị thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường, cản trở dòng chảy của sông hồ, kênh rạch.

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng nhựa tiêu thụ ở Việt Nam bình quân đầu người tăng từ 3,8kg năm 1990 lên 41,3kg vào năm 2018. Lượng nhựa dùng một lần, không được tái chế và phải được chôn cất tại Hà Nội và TPHCM lên tới 80 tấn mỗi ngày.

Vân Anh cùng các thành viên trong nhóm nhận giải thưởng cuộc thi SV-STARTUP 2020

Khi đọc được nghiên cứu làm giấy từ thân cây chuối, bã mía, rơm rạ, nhóm đã xác định đây là hướng đi của mình. Đây cũng là ý tưởng cho dự án "Phế phẩm nông nghiệp - tài nguyên cho giấy bao bì" của nhóm. Trong đó, giấy được làm ra có thể dùng để sản xuất túi, hộp đựng, giấy gói hoa, quà - những sản phẩm mà ngoài thị trường đa số là nylon, nhựa. Có thể sử dụng phế phẩm nông nghiệp bỏ phí để tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm rác thải nhựa, lại tăng thêm thu nhập cho người nông dân thì tại sao không, Vân Anh cho biết.

Khi biết tới cuộc thi Sáng kiến giảm rác thải nhựa của Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên nhằm tìm kiếm giải pháp giảm rác thải nhựa cho tỉnh Kiên Giang - một trong những địa phương trồng nhiều chuối nhất cả nước, nhóm đã quyết định đi sâu vào nghiên cứu làm giấy từ thân cây chuối trước khi mở rộng sang các loại phế phẩm nông nghiệp khác.

Theo Vân Anh, cần nhiều công đoạn để làm ra được giấy từ thân cây chuối. Ban đầu, chuối phải được cắt nhỏ, phơi hoặc sấy khô rồi đem nấu ở nhiệt độ cao cùng một chút soda. Sau đó hỗn hợp này được mang đi rửa để đảm bảo độ trung tính, thân thiện với môi trường, rồi trộn với bột keo (làm từ phế phẩm nông nghiệp như khoai bị hư). Sau khi trộn, chúng được trải ra khuôn để tạo hình sản phẩm rồi mang sấy khô hoặc phơi khô dưới ánh nắng mặt trời.

Một số sản phẩm ứng dụng giấy làm từ thân cây chuối

Với mong muốn những tờ giấy khi làm ra phải độc lạ, còn nhiều sợi tơ để thấy rõ tính tự nhiên nhưng vẫn thân thiện với môi trường, sử dụng ít hóa chất nhất có thể, đảm bảo khả năng phân hủy cao với thời gian lâu nhất chỉ 1 - 2 tháng, nhóm nghiên cứu đã phải thử nghiệm hàng trăm lần để tạo ra những tờ giấy có độ dai, mềm mại phù hợp.

Sau khi chiến thắng giải thưởng, hiện nhóm đang chuyển dần từ thủ công sang dùng máy. Khoa Cơ khí của trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang hỗ trợ làm máy module nhỏ, dự kiến hoàn thành trong năm tới.

"Sau khi hoàn thiện quy trình sản xuất bằng máy, chúng em muốn chuyển giao công nghệ tới địa phương để tiết kiệm giá thành vận chuyển. Chúng em mong muốn ở mỗi tỉnh trồng nhiều chuối có một cơ sở sản xuất nhỏ, kiểu như làng nghề, để thu gom thân cây chuối của người nông dân, sản xuất tại đó rồi bán những sản phẩm này", Vân Anh nói.

Hiện nhóm mới chỉ hướng tới bán giấy cho các đơn vị muốn mua về làm túi, hộp quà, giấy gói hoặc liên kết với các công ty làm những sản phẩm đó nhằm có nguồn thu nuôi dưỡng dự án cũng như tạo dựng thị trường. Sau khi hoàn thiện công nghệ, nhóm sẽ chuyển giao về các địa phương, đồng thời mở rộng nghiên cứu sử dụng các phế phẩm nông nghiệp ngoài thân cây chuối.

Kim Bảo (t/h)