Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và thống kê nông nghiệp cho biết, kể từ sau đại dịch, phương thức giao dịch trên sàn TMĐT ngày càng vượt trội với sự chủ động của các chủ thể: nông dân, sàn thương mại, hợp tác xã... và Bộ NN&PTNT là cơ quan thúc đẩy các hoạt động này.
Tuy nhiên, việc đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn đang đối mặt với nhiều khó khăn như nông dân cần được chuyên nghiệp hóa từ đăng ký kinh doanh, sản xuất, thương mại, liên kết sản xuất, tập huấn về sản phẩm và hoạt động trên sàn TMĐT.
Hỗ trợ đưa sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử
Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong bối cảnh hiện tại, Bộ NN&PTNT cần có chiến lược cụ thể nhằm đưa nông sản tươi lên sàn TMĐT, khuyến khích nông dân và thương lái tham gia chuỗi giá trị.
Ông Trần Minh Tuấn khẳng định, sự hỗ trợ từ các chương trình khuyến nông và các sáng kiến do Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT lan tỏa sẽ giúp thúc đẩy phát triển thị trường điện tử. Vì vậy, hai bên cần trao đổi thường xuyên, gửi báo cáo hàng quý tới Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, qua đó giúp tăng cường sự chú ý và hỗ trợ từ các Bộ, ngành liên quan.
Tuy nhiên, ông Trần Minh Tuấn cho rằng, do sàn TMĐT yêu cầu quy trình chặt chẽ, pháp lý phức tạp nên nông dân và thương lái gặp khó khăn trong việc tiếp cận. Để giải quyết vấn đề này, cần tạo điều kiện cho nông dân trở thành những nhà vận hành sàn TMĐT. Một trong những giải pháp tiềm năng là tận dụng sức mạnh của mạng xã hội như TikTok. Giao dịch trên TikTok có lợi thế với sự kết nối sâu rộng giữa các KOL (người dẫn dắt dư luận chủ chốt) và khán giả, cùng với sự phát triển của hệ thống logistics. Đặc biệt, lực lượng thanh niên nông thôn đang trở nên năng động và dễ dàng tiếp cận ứng dụng TikTok, là một cơ hội để thúc đẩy thương mại nông sản điện tử. Đây là lực lượng “sale số”, cần được tận dụng để mở ra hướng đi mới thoát khỏi sàn thương mại truyền thống.
Ông Đào Đức Huấn, Trưởng phòng quản lý Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đánh giá, việc đưa sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT đã chậm lại trong 2 năm trở lại đây và việc duy trì sản phẩm OCOP trên kênh bán hàng gặp nhiều khó khăn do sản phẩm có tính thời vụ, nhiều rào cản về ký gửi, logistics, chủ thể khó thích ứng với TMĐT...
Tuy nhiên, kể từ khi TikTok Shop phối hợp với Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp thuộc Bộ NN&PTNT nhằm tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hợp tác xã trong số hóa hoạt động xúc tiến thương mại thuộc Chương trình OCOP, sản phẩm nông sản được kết nối hiệu quả tới người tiêu dùng.