
Công nhân Công ty Điện lực Nam Định kiểm tra máy biến áp cấp điện cho Trạm bơm Cốc Thành (huyện Vụ Bản)
Thiên tai diễn biến phức tạp
Theo ông Hồ Mạnh Tuấn, Phó Tổng giám đốc EVNNPC, hiện EVNNPC đang quản lý địa bàn có địa hình phức tạp với khoảng 2/3 diện tích là vùng rừng núi và hơn 830km bờ biển, khí hậu 4 mùa đa dạng, lưới điện của EVNNPC đã và đang chịu tác động lớn nhất của các hình thái thời tiết cực đoan. Đó là bão, lũ, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá, động đất, nắng nóng, nồm ẩm, băng tuyết, ngập úng.
Thống kê của Ban An toàn, EVNNPC cho thấy, tổng giá trị thiệt hại và chi phí khắc phục của các công ty điện lực như Sơn La, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Lai Châu, Bắc Kạn, Cao Bằng, Yên Bái và Hà Giang trong thời gian qua ước tính hơn 25 tỷ đồng.
Cụ thể, đêm 2/8, rạng sáng ngày 3/8, trận lũ ống, lũ quét càn qua huyện Mường La (tỉnh Sơn La) và huyện Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái) đã gây thiệt hại nặng nề cho lưới điện ở các khu vực này, lũ quét đã cuốn trôi 27 cột điện hạ thế và 60 công tơ của khách hàng tại huyện Mù Cang Chải. Các công trình công cộng như trường học, sân vận động... bị thiệt hại nặng nề, các cột điện hạ thế bị lũ cuốn phăng toàn bộ. Do ảnh hưởng của mưa to cục bộ kéo dài từ ngày 1 đến 3/8, trên địa bàn huyện Mường La đã xảy ra lũ quét, sạt lở làm ảnh hưởng đến hệ thống lưới điện trên địa bàn huyện, có 6 xã thuộc huyện Mường La gồm Ngọc Chiến, Nậm Păm, Chiềng Lao, Hua Trai, Mường Trai, Pi Toong và 1 phần Thị trấn Ít Ong bị ảnh hưởng bởi mưa lũ. Theo đó, 3 cột điện trung thế bị gẫy, đổ, nghiêng; 5km đường dây bị đứt, trôi mất và 33 bộ xà, sứ các loại bị hư hỏng; 50 cột điện hạ thể bị gãy, đổ, nghiêng, sạt lở; gần 1 km đường dây bị đứt, trôi mất; 50 bộ xà các loại bị hỏng. Số khách hàng bị mất điện là 7.788 khách hàng, trong đó có 767 khách hàng thuộc trung tâm huyện. Uớc thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.
Trong 27 tỉnh miền Bắc, Lào Cai là tỉnh miền núi, hàng năm hứng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai. Ông Trần Văn Bằng, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Lào Cai cho biết, ngay trong tháng 7 này, trên địa bàn tỉnh có mưa to đến rất to và ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 đã làm sạt lở lưới điện của các huyện Mường Khương, Bắc Hà và Sa Pa với giá trị thiệt hại gần 2,8 tỷ đồng.

Thủy điện Nậm Toóng (Lào Cai) đã tuân thủ các quy định, quy trình vận hành, công tác PCTT&TKCN
Tập trung khắc phục khẩn trương
Để tập trung cho công tác phòng chống thiên tai, EVNNPC đã tăng cường kiểm tra phát hiện các khiếm khuyết trong quá trình vận hành của hệ thống lưới điện. Đồng thời phương thức vận hành trong thời gian bị thiên tai là đảm bảo khôi phục cấp điện nhanh và an toàn, tổ chức lực lượng ứng trực, vật tư dự phòng và phương tiện đi lại ứng phó sẵn sàng. Hàng năm, EVNNPC và các đơn vị đều kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) để thích ứng với tình hình trong năm; xây dựng các phương án phòng chống, các kịch bản khi xảy ra và các phương thức đảm bảo cấp điện cho các phụ tải quan trọng trong thời gian bị thiên tai.
Cùng với đó, tổng công ty yêu cầu các đơn vị thành viên bám sát các công điện chỉ đạo từ Trung ương, Bộ Công Thương đến EVN về tình hình thời tiết, tổ chức lực lượng kiểm tra, chằng néo các nơi xung yếu, chuẩn bị lực lượng, vật tư dự phòng, đảm bảo an toàn cho người và thiết bị trong quá trình khắc phục sự cố.

Thủy điện Nậm Toóng đến cuối tháng 8 tới sẽ hoàn thiện xong phần nhà máy và trạm biến áp để cuối tháng 9/2017 bắt đầu tích nước và vận hành chạy thử
Ông Mai Quang Hùng, Trưởng ban An toàn EVNNPC cho biết, trước ngày 31/5/2017, các đơn vị thành viên trong tổng công ty đã tổ chức diễn tập phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. 100% đơn vị đã thành lập Ban, tiểu đội, đội xung kích PCTT&TKCN; lập đầy đủ phương án phòng chống; trong đó có các tình huống diễn tập cụ thể.
Điển hình như với cơn bão số 2, lũ quét và lũ ống vừa qua xảy ra ở Thanh Hóa, Nghệ An, Yên Bái và Sơn La, Ban chỉ đạo PCTT&TKCN của EVNNPC và các công ty điện lực đã theo dõi sát sao diễn biến của bão để kịp thời điều chỉnh, bổ sung vùng, phạm vi ảnh hưởng của bão, triển khai các phương án đối phó. Đặc biệt, tập trung nhân lực, vật tư thiết bị khôi phục lưới điện trong thời gian ngắn nhất để cấp điện trở lại nhằm ổn định đời sống sinh hoạt cho nhân dân và sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Công ty Điện lực Lào Cai cũng thường xuyên chủ động xây dựng các phương án đảm bảo lực lượng tại chỗ, chủ động chuẩn bị vật tư dự phòng, con người tại chỗ. Ngay như Thủy điện Nậm Toóng (công suất 34 MW) đang được xây dựng trên địa bàn xã Bản Hồ, huyện Sa Pa, Lào Cai cũng vậy. Ông Nguyễn Kỳ Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy điện Sa Pa (EVNNPC) chia sẻ: “Ngay từ khâu khảo sát địa điểm xây dựng dự án, tư vấn đã phải tính toán kỹ với những tác động của thiên tai, bão lũ hay lựa chọn phương án tối ưu là tuyến năng lượng đưa vào trong hầm để hạn chế thấp nhất các thiệt hại”.
Việc đảm bảo an toàn cho dân sẽ được đặt lên đầu tiên, sau đó mới đến khắc phục, phát hiện các hậu quả khi bão đi qua để khôi phục điện cấp cho dân. Ngành điện phải đảm bảo an toàn thực sự cho người dân thì mới đóng điện trở lại khi mưa bão ngập lụt xảy ra.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thiên tai hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào, bất kỳ địa bàn nào, vì vậy, ngoài công tác vận hành thông thường, việc chuẩn bị, ứng phó, khắc phục với thiên tai đã được EVNNPC “nâng cấp” từ nhận thức, trách nhiệm, tinh thần sẵn sàng đến các cơ chế và hành động của mọi cấp và từng cán bộ công nhân viên trong các đơn vị.