EVNSPC giảm sự cố do sét

Thứ tư, 2/5/2018 | 14:18 GMT+7
Để ngăn chặn và giảm các sự cố liên quan do sét trong thời gian sắp tới, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã tăng cường kiểm tra đường dây và lên kế hoạch đầu tư mới.

Theo báo cáo của Tổng công ty Điện lực miền Nam, trong năm 2017, sự cố do sét tới đường dây 100 kV lên tới 18 vụ, chiếm 18,2%; lưới điện 22 kV là 81 vụ, chiếm hơn 15%.

Trong 18 vụ sự cố đường dây 110kV, xảy ra trên 15 đường dây; trong đó 2 đường dây có tính chất tái diễn các năm trước: đường dây 172, 173 Thác Mơ – 171 Lộc Ninh, 171 Bình Long 2 (mạch kép – 02 vụ); 171 - 172 Đa M'bri – 171 Bảo Lộc (01 vụ) và đường dây Trà Vinh – Duyên Trà, Trà Vinh 2.

Mặc dù, các đơn vị điện lực đã thực hiện tốt các giải pháp ngăn ngừa sự cố do sét như tiếp địa, góc bảo vệ, tăng cường cách điện sứ, kéo tăng cường thoát sét. Tuy nhiên, sự cố vẫn còn xảy ra nhiều do tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp sét đánh với cường độ cao, khu vực đồi núi cao, gần biển và còn tồn tại hệ thống tiếp không đạt yêu cầu (dây tiếp địa bị rỉ sét, gãy nhiều nhất là các vùng ven biển, khu vực đồng lúa ngập nước). Dù đã giảm được 10 vụ việc so với năm 2016 nhưng các đơn vị đều không đạt chỉ tiêu về giảm 50% sự cố do sét đánh vào đường dây.

Theo ông Hồ Quang Ái, Phó Tổng giám đốc EVNSPC, Tổng công ty đã tuân thủ chu kỳ kiểm tra định kỳ hệ thống tiếp địa cột và kiểm tra đột xuất hệ thống tiếp địa sau khi xảy ra sự cố sét, để đo lại điện trở; từ đó có kế hoạch xử lý hoàn tất trước mùa mưa bão. Đặc biệt, đối với các đường dây có tần suất sự cố do sét đánh trên 2 lần/năm, Tổng công ty đã tăng cường tách điện đường dây bằng việc bổ sung thêm bát sứ thủy tinh hoặc thay thế cách điện mới có mức chịu điện áp xung lớn cho những đường dây có cách điện không còn đảm bảo; kết hợp sửa chữa lớn thực hiện giảm tối đa góc bảo vệ của dây chống sét; thực hiện các giải pháp để giảm điện trở tiếp đất cột điện;

“Trước mùa mưa bão năm nay, EVNSPC đặt mục tiêu sẽ giảm tiếp 30% số vụ sự cố do sét đánh vào đường dây, lưới điện 110 kV, dù là khó khăn do biến đổi khí hậu phức tạp”, ông Ái nói.

Giải pháp trước mắt là Tổng công ty sẽ thực hiện đo lại điện trở tiếp địa cột cả đường dây để xử lý các vị trí chưa đạt yêu cầu vào trước mùa mưa năm nay. Đối với đường dây đã xảy ra sự cố sét vào năm 2018, đơn vị phải đo kiểm tra lại điện trở tiếp địa cột cả đường dây vào.

Đối với các đường dây có tần suất sự cố do sét từ 2 lần trở lên trong năm như đường dây 171 Bảo Lộc - 171, 172 ĐamB’ri , các đơn vị cần tăng cường cách điện đường dây như bổ sung thêm bát sứ thủy tinh, hoặc thay thế cách điện mới có mức chịu điện áp xung lớn cho những đường dây có cách điện không còn đảm bảo.

Đồng thời, kết hợp sửa chữa lớn thực hiện giảm tối đa góc bảo vệ của dây chống sét (nâng cao dây chống sét hoặc mở rộng cánh tay xà của dây chống sét); thực hiện các giải pháp để giảm điện trở tiếp đất cột điện (thấp hơn yêu cầu của Quy phạm) như: tăng cường hệ dây - cọc tiếp địa, sử dụng hóa chất; khoan giếng tiếp địa

Phó Tổng giám đốc Hồ Quang Ái cũng cho biết, nếu các giải pháp trên vẫn không thể giảm được điện trở tiếp đất cột điện hoặc chi phí thực hiện quá lớn, các đơn vị cần thực hiện giải pháp lắp đặt chống sét đường dây (loại có khe hở). Và phải tính toán để có được vị trí lắp đặt tối ưu (cột có điện trở tiếp địa cao, vị trí cột có tần suất xảy ra sét cao, cột có chiều cao lớn, cột có độ cao lớn hơn hẳn các cột liền kề) nhằm phát huy tối đa hiệu quả của thiết bị.

Đồng thời, EVNSPC sẽ lắp đặt chống sét van có khe hở (EGLA) cho tuyến đường dây 110 kV Bảo Lộc - Đam’Bri - ĐạTẻh - Tân Phú theo phương án nghiên cứu đã được thực hiện bởi Tổng công ty và Toshiba, triển khai có đánh giá để xem xét các đường dây khác xảy ra sự cố do sét.

Các đơn vị kiểm tra hệ thống tiếp địa, vệ sinh sứ, các đầu cosse lèo dây dẫn, dây chống sét tại các tuyến đường dây 110 kV trước mùa mưa năm 2018 theo kế hoạch của các đơn vị...

Đình Tú