Theo thông tin tại tọa đàm, Gia Lai là tỉnh có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi liên kết chế biến sâu phục vụ xuất khẩu. Trong đó, tỉnh có nhiều nông sản là đặc trưng, thế mạnh như: cà phê, hồ tiêu, cao su, chanh dây, bơ, sầu riêng, chuối, sa nhân tím, đinh lăng, đương quy, hà thủ ô đỏ...
![](/userfile/User/thanhtam/images/2024/10/17/nong-nghiep-xuat-khau-20241017170924398.jpg)
Tỉnh Gia Lai thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao phục vụ xuất khẩu
Hiện toàn tỉnh có 409 sản phẩm OCOP đạt 3 - 4 sao, trong đó có 59 sản phẩm đạt 4 sao và 350 sản phẩm đạt 3 sao. Hầu hết cây trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh đã thuộc vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, gắn với nhà máy chế biến xuất khẩu của các doanh nghiệp. Đây là điều kiện thuận lợi để Gia Lai đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản.
Các mặt hàng nông sản của Gia Lai đã và đang xuất khẩu với mức tăng trưởng khả quan sang thị trường của gần 40 quốc gia, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ… Giá trị xuất khẩu của nhóm hàng nông sản chiếm tỷ trọng khoảng 70 - 80% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương với các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực. Tuy có được những kết quả khả quan nhưng điều đó vẫn chưa đạt như kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Do đó, tại tọa đàm, các đại biểu đại diện các Bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp đã thảo luận về những thuận lợi, khó khăn từ đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên của tỉnh Gia Lai đối với phát triển nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, những loại cây trồng chủ lực và có lợi thế cạnh tranh, mang lại giá trị kinh tế lớn. Đánh giá cụ thể về thế mạnh trong phát triển nông nghiệp tại tỉnh Gia Lai theo từng vùng, từng địa phương.
So sánh thế mạnh của nông sản Gia Lai với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và trong sự phát triển chung của cả nước; hoạt động liên kết để khai thác tiềm năng, tăng thêm nguồn lực; vấn đề xuất khẩu nông sản của Gia Lai thời gian qua: thuận lợi, khó khăn và giải pháp tháo gỡ. Hoạt động thu hút đầu tư trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp chất lượng cao trên địa bàn, thuận lợi và khó khăn. Việc đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, phát triển mạng lưới logistics tạo điều kiện xuất khẩu nông sản phát triển...
Ông Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị tỉnh Gia Lai khẩn trương triển khai hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tăng cường chất lượng dịch vụ trung gian để hình thành chuỗi giá trị sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu; khuyến khích đầu tư sản xuất công nghiệp, nông nghiệp theo hướng xanh và kinh tế tuần hoàn, biến tiềm năng thành lợi thế đối với lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh nói chung và đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản nói riêng.