Nông nghiệp sạch

Ireland sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ sáu, 11/10/2024 | 11:01 GMT+7
Mới đây, Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Đại dương Ireland đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.

Tiếp đón đoàn công tác Ireland, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam đang phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó đa phần các lĩnh vực liên quan tới tài nguyên như tài nguyên đất, nước, môi trường, biến đổi khí hậu… Buổi làm việc lần này là dịp để Bộ thắt chặt quan hệ với phía Ireland nói chung và Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Đại dương Ireland nói riêng trong việc triển khai các hoạt động hợp tác trong thời gian tới.

Tại buổi gặp mặt, bà Pippa Hackett, Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Đại dương Ireland cho biết, Ireland và Việt Nam có quan hệ hữu nghị, chặt chẽ trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây cũng là vấn đề đang tác động tới mọi quốc gia trên thế giới. Với thành công trong phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Ireland mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam, chia sẻ các kinh nghiệm phát triển nông nghiệp để hỗ trợ Việt Nam đạt được những mục tiêu về khí hậu và phát triển bền vững.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành tiếp bà Pippa Hackett, Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Đại dương Ireland

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, ngành nông nghiệp Việt Nam đang triển khai Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030. Đây là một trong số ít các dự án trên thế giới tập trung vào vấn đề trồng lúa phát thải thấp. Với vai trò, nhiệm vụ được giao, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang đồng hành cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chính sách, quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình triển khai dự án.

Ngoài ra, Việt Nam đang nỗ lực quản lý đất, bảo vệ rừng, tăng cường khả năng hấp thụ khí thải carbon. Hiện tại, Việt Nam có nhiều dự án phát triển tín chỉ carbon rừng. Bộ Tài nguyên và Môi trường đang cùng các Bộ, ngành liên quan xây dựng chính sách, quy định về tín chỉ carbon, thị trường carbon.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, Việt Nam sẽ bắt đầu thí điểm thị trường carbon. Đây sẽ là sân chơi mới, giúp các bên tham gia xây dựng kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp có thêm động lực để phát triển. Do đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn Ireland sẽ cùng đồng hành, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong các vấn đề này.

Về vấn đề sản xuất thực phẩm bền vững, Thứ trưởng Lê Công Thành đánh giá đây sẽ là lĩnh vực mà phía Việt Nam và Ireland có nhiều dư địa để cùng trao đổi, hợp tác với nhau. Đối với Việt Nam, để sản xuất thực phẩm bền vững đòi hỏi phải có quy trình công nghệ cao. 

Về kinh tế tuần hoàn và kinh tế sinh thái, Việt Nam còn thiếu cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, Thứ tưởng Lê Công Thành mong muốn phía Ireland tiếp tục trao đổi, hợp tác với Việt Nam trong thời gian tới để hỗ trợ quá trình phát triển, xây dựng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

Bà Pippa Hackett cho biết, phía Ireland đánh giá cao Đề án Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp của Việt Nam. Đồng thời chia sẻ kinh nghiệm của Ireland về các hoạt động giảm phát thải trong lĩnh vực nông nghiệp như sử dụng phân bón thông minh, tuần hoàn sản xuất chăn nuôi, quản lý tài nguyên khoáng sản, khai thác, canh tác bền vững để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, giảm tác động đến thổ nhưỡng của đất. Ireland cũng triển khai đa dạng hoạt động hỗ trợ nhà nông theo nhiều cách khác nhau bao gồm hỗ trợ về công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật đối với trang trại... để đạt hiệu quả trong giảm phát thải nông nghiệp. Đến nay, ngày càng nhiều nông dân Ireland lựa chọn ngành nông nghiệp hữu cơ.

Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Đại dương Ireland nhấn mạnh, phía Ireland sẵn lòng hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực này để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Phương An (T/H)