Năng lượng tái tạo

Giải pháp hỗ trợ huy động tối ưu nguồn NLTT trong hệ thống điện

Thứ năm, 22/4/2021 | 10:05 GMT+7
Mới đây, tại Hà Nội, Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ phối hợp với Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương đã tổ chức hội thảo tham vấn “Các giải pháp quản lý quá tải nhằm hỗ trợ huy động tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống điện”.

Đây là hội thảo đầu tiên trong chuỗi hội thảo tham vấn để thực hiện nhiệm vụ “Các giải pháp quản lý nghẽn lưới giúp hạn chế cắt giảm nguồn năng lượng tái tạo”. Nhiệm vụ này nhằm xây dựng chi tiết cơ chế điều độ phù hợp với Việt Nam (liên quan đến cả lưới điện và thị trường), tối thiểu hóa chi phí nâng cấp lưới điện để giảm thiểu việc cắt giảm công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT), đề ra các giải pháp (nếu việc cắt giảm là không tránh được) và đề xuất cơ chế hỗ trợ tài chính.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe những phần trình bày về phân tích hệ thống điện và đánh giá hiện trạng quản lý nghẽn lưới tại Việt Nam. Các kinh nghiệm quốc tế cũng được giới thiệu để Việt Nam có thể học hỏi nhằm giải quyết các vấn đề liên quan. 

Những năm gần đây, các dự án NLTT phát triển nhanh tại Việt Nam. Tuy nhiên, hầu hết các dự án này chỉ phân bổ tập trung tại một số khu vực miền Trung trong khi hạ tầng lưới điện để giải toả công suất nguồn điện không đủ để đáp ứng đồng bộ. Cùng với đó, sự chênh lệch cao giữa phụ tải cao điểm và phụ tải thấp điểm dẫn đến sự không ổn định của hệ thống lưới điện, gây ra tình trạng tắc nghẽn tại các khu vực này. Các dự án phải cắt giảm sản lượng điện phát, ảnh hưởng tới doanh thu và lãng phí nguồn đầu tư. 

Ảnh minh họa

Tại hội thảo, đơn vị tư vấn đã đề xuất một số giải pháp để cải thiện hiện trạng quản lý nghẽn lưới ở Việt Nam, Cụ thể, về khung pháp lý: cơ chế giá FIT thay đổi theo vùng hoặc theo thời gian: cơ chế giá FIT cho toàn quốc hiện nay đang khuyến khích các nhà đầu tư tập trung vào các khu vực thuận lợi về điều kiện tự nhiên, ở Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Có thể loại bỏ nút thắt này bằng cách thay đổi giá FIT theo thời gian trong ngày hoặc khác nhau giữa các vùng. Ngoài cơ chế giá FIT, NLTT ở Việt Nam còn được ưu tiên trong việc huy động trước và cắt giảm sau các nhà máy điện truyền thống. Thứ tự ưu tiên này có thể được thay bằng các phương pháp hiệu quả hơn, ví dụ như ưu tiên theo chi phí quy dẫn. 

Về lưới điện: truyền tải điện một chiều cao áp (HVDC) là giải pháp dài hạn được đề xuất khi vừa giúp giải tỏa đường dây truyền tải Bắc – Nam vừa có thể cung cấp các chức năng ổn định lưới điện như bù công suất phản kháng...

Bên cạnh đó, các hệ thống tích trữ năng lượng cần được đẩy mạnh. Tích trữ năng lượng có thể bù lại sự biến động của nguồn NLTT, tạo ra sự linh hoạt trong vận hành. Hơn nữa, hệ thông tích trữ năng lượng giúp dịch chuyển đỉnh công suất của nguồn NLTT sang thời điểm đỉnh phụ tải. 

Các hệ thống điện mặt trời (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà), điện gió chủ yếu được kết nối với lưới điện phân phối. Do đó, các trạm biến áp phân phối sẽ cần được số hóa để cải thiện sự phối hợp giữa các đơn vị sản xuất, vận hành hệ thống truyền tải và phân phối. 

Chuỗi hội thảo nằm trong khuôn khổ Dự án hợp tác kỹ thuật song phương “Lưới điện thông minh cho Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng” (SGREEE) do Cục Điều tiết Điện lực Việt Nam (trực thuộc Bộ Công Thương) và GIZ (dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác và Phát triển Kinh tế Liên Bang Đức (BMZ) phối hợp thực hiện. Dự án SGREEE đang hỗ trợ chính phủ Việt Nam thực hiện Lộ trình lưới điện thông minh hướng tới thúc đẩy hiện đại hóa và tự động hóa hệ thống truyền tải và phân phối điện quốc gia.

Lan Anh