Năng lượng tái tạo

Bản tin năng lượng số 14/2021

Thứ hai, 19/4/2021 | 10:22 GMT+7
Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư quy định thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo (NLTT) với khách hàng sử dụng điện (cơ chế DPPA).

Sẽ thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ NLTT với khách hàng

Theo đó, khách hàng dùng điện cho sản xuất công nghiệp (cấp điện áp từ 22kV trở lên) có thể đàm phán, thỏa thuận mua điện trực tiếp từ các nhà máy điện mặt trời, điện gió thông qua hợp đồng kỳ hạn. Giao dịch mua bán điện sẽ được thực hiện qua thị trường điện giao ngay, vận hành theo quy định thị trường bán buôn điện cạnh tranh của Bộ Công Thương.

Cơ chế DPPA sẽ giúp doanh nghiệp có thể nâng tỷ lệ sử dụng NLTT trong hoạt động kinh doanh, sản xuất lên 100% – tỷ lệ này hầu như không thể đạt được nếu chỉ đầu tư điện mặt trời áp mái. Điều này rất phù hợp với các công ty, tập đoàn tham gia mạng lưới cam kết toàn cầu về sử dụng NLTT và phát triển bền vững. 

Khách hàng dùng điện tham gia thí điểm phải có hồ sơ đăng ký đáp ứng các tiêu chí, như cam kết sử dụng NLTT; tỷ lệ sản lượng điện hợp đồng mua trong 3 năm đầu tham gia thí điểm từ 80% trở lên.

Sẽ thí điểm mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ NLTT với khách hàng sử dụng điện

Về phía đơn vị phát điện, muốn tham gia thí điểm cơ chế này, dự án điện gió, mặt trời phải có trong quy hoạch, công suất lắp đặt trên 30MW. Các dự án này cũng phải cam kết mốc thời gian vận hành thương mại, tham gia thị trường điện trong vòng 9 tháng từ khi được công bố lựa chọn tham gia của cơ quan có thẩm quyền. Ngoài ra, hồ sơ tham gia thí điểm của dự án cũng phải kèm theo văn bản chứng minh hỗ trợ tài chính từ các tổ chức tài chính, tín dụng.

Bộ Công Thương dự kiến thí điểm cơ chế này trong giai đoạn 2021 - 2023 với tổng công suất khoảng 1.000 MW. Sau thí điểm 1 năm, Cục Điều tiết điện lực sẽ đánh giá các khía cạnh thị trường, kỹ thuật, tài chính và pháp lý... hoàn thiện nội dung, báo cáo các cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng rộng rãi cơ chế này. Theo Cục Điều tiết điện lực, khi thực hiện cơ chế thí điểm này, thị trường bán buôn điện cạnh tranh được hoàn chỉnh, bán lẻ điện cạnh tranh chính thức triển khai, hợp đồng mua bán điện trực tiếp sẽ chuyển sang thực hiện theo quy định mới có liên quan.

Thử nghiệm kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời tại An Giang

Tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, Ban Quản lý Dự án phát triển năng lượng bền vững (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang) vừa phối hợp với Trung tâm Phát triển Sáng tạo xanh (GreenID) và các đối tác tổ chức lễ khánh thành mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời.

Công trình điện mặt trời áp mái có công suất 45kWp lắp đặt trên diện tích 400m2, phía dưới là nhà màng trồng cây. Các tấm quang năng được thiết kế với độ giãn cách phù hợp, đảm bảo khả năng sinh trưởng của giống cây trồng.

Ông Chau Hon thu hoạch dưa chuột được trồng trong nhà màng được lắp hệ thống pin năng lượng mặt trời phía trên

Mô hình được triển khai tại hộ gia đình ông Chau Hon, ấp An Hòa (xã Châu Lăng, Tri Tôn) từ tháng 5/2020, hoàn thiện và đấu nối với lưới điện vào tháng 12/2020, khai thác điện từ đầu năm 2021. Trung bình mỗi ngày, hệ thống sản xuất được 103kWh điện. Từ tháng 1 đến tháng 3/2021, dự án đã bán được hơn 4.471kWh điện, tương đương hơn 22 triệu đồng. Phía dưới hệ thống tấm pin, ông Chau Hon trồng thử nghiệm dưa chuột. Bình quân mỗi ngày, thu hoạch hơn 30kg, trái có quả đẹp và dài, tỷ lệ đậu trái cao hơn ruộng đối chứng bên ngoài.

Phát biểu tại buổi lễ, ông Trương Kiến Thọ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang nhấn mạnh lợi ích kép của mô hình kết hợp sản xuất nông nghiệp với điện mặt trời, mang lại lợi ích kinh tế lớn hơn cho người nông dân, giúp nông dân yên tâm canh tác và phát triển. Với lợi thế về bức xạ năng lượng mặt trời và kết quả đã được minh chứng, ông Thọ hy vọng ngành nông nghiệp An Giang và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long sẽ thấy được một mô hình kết hợp hiệu quả hỗ trợ cho bà con nông dân trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc điều hành GreenID, mô hình là minh chứng cho thấy chúng ta có thể vừa sản xuất điện sạch vừa có cơ hội cải thiện sinh kế cho người nông dân.

Mô hình kinh doanh của các nhà máy điện sinh khối trong ngành mía đường

Tại Phú Yên, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương vừa phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức tổ chức hội thảo tham vấn Phân tích mô hình kinh doanh của các nhà máy điện sinh khối trong ngành mía đường.

Việt Nam có tiềm năng sản xuất năng lượng sinh khối lớn nhờ các nguồn tài nguyên sinh khối sẵn có từ phế phẩm sau thu hoạch, sau chế biến sản phẩm nông lâm và chất thải động vật. Tuy nhiên, nguồn năng lượng được tạo ra từ nhiên liệu sinh khối ở Việt Nam hiện nay vẫn còn khiêm tốn.

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho rằng, việc phát triển điện sinh khối sẽ tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành mía đường thông qua việc tăng doanh thu cho các công ty sản xuất đường, tăng hiệu quả kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ khí hậu, giúp giảm phát thải khí nhà kính, tạo ra việc làm xanh, cải thiện an ninh, chất lượng nguồn cung điện, giảm phế thải.

Phát triển năng lượng sinh khối với mục tiêu tận dụng các phụ phẩm từ ngành mía đường để sản xuất điện nhằm tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường

Theo ông Trần Hữu Thế, tỉnh Phú Yên mong muốn được phối hợp với Hiệp hội mía đường Việt Nam tham gia đề xuất với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển và nông thôn cùng các bộ ngành liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các kế hoạch, dự án để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, nguồn điện dựa trên các nguồn năng lượng tái tạo mà Việt Nam có tiềm năng, đặc biệt là nguồn điện sinh khối từ bã mía. Tỉnh sẵn sàng phối hợp cùng với các đơn vị để góp thêm tiếng nói trong các diễn đàn khác và mong muốn làm sao để người dân sống tốt hơn với nghề trồng mía.

Tại hội thảo, các đại biểu trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, định hướng trong việc phát triển năng lượng sinh khối với mục tiêu tận dụng các phụ phẩm từ ngành mía đường để sản xuất điện nhằm tăng giá trị gia tăng của chuỗi sản xuất mía đường, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của ngành mía đường Việt Nam. Các chuyên gia năng lượng và đại diện các nhà máy đường cũng thảo luận, trao đổi về chính sách pháp lý, quy định hiện hành liên quan đến việc tạo lợi nhuận cho nhà máy đường phát triển năng lượng sinh khối trong thời gian tới.

Ngân Hà