Kết nối

Giảm nghèo bền vững nhìn từ kinh tế xanh

Thứ hai, 20/11/2023 | 09:25 GMT+7
Mới đây, bà Ramla Khalidi, Trưởng Đại diện của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh: “Việt Nam là một hình mẫu về giảm nghèo, nhất là một thời gian đặc biệt ngắn. Tôi nghĩ rằng nhiều quốc gia sẽ nhìn vào Việt Nam để học hỏi những bài học đó”. Một trong những địa phương ở Việt Nam thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, đặc biệt Chương trình gắn với chiến lược kinh tế xanh là tỉnh Lâm Đồng.

Bài 1: Lâm Đồng từ kết quả đến đột phá

Bài 2: Chìa khóa của sinh kế là đa dạng hóa về mô hình

Tổng lực bằng sự lồng ghép

Nhằm vượt những rào cản về đặc điểm của một tỉnh miền núi và có đông đồng bào dân tộc thiểu số để thực sự chuyển biến mạnh công tác giảm nghèo bền vững, tỉnh Lâm Đồng đồng thời tập trung đẩy mạnh thực hiện nhiều nội dung. Trong đó, các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững lồng ghép với các Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Từ chủ trương này, Lâm Đồng tập trung đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; truyền thông và giảm nghèo về thông tin .v.v…Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQC giảm nghèo bền vững năm 2023 của tỉnh Lâm Đồng là 65.191 tỷ đồng, bao gồm ngân sách trung ương và đối ứng của địa phương. Đến ngày 31/10, đã giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư và phát triển (trên 3,7 tỷ đồng), và nguồn vốn sự nghiệp ước đạt 50% vào 31/12 (30 tỷ đồng).

Ông Krajăn Ha Sắc chuyển đổi 3 ha cà phê già cỗi sang trồng cây dâu và nuôi tằm rất hiệu quả về kinh tế, được các hộ nông dân dân tộc K’Ho và dân tộc Mông tại huyện Đam Rông học tập

Thực hiện lồng ghép sáng tạo là huy động tổng lực cả hệ thống chính trị, phối hợp giữa nhiều cấp, nhiều ban, ngành, đoàn thể và nội lực của toàn dân. Từ tuyên truyền, hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng nhà ở đến đào tạo nghề, cung cấp giống cây và con, cải thiện về dinh dưỡng…Thực tiễn diễn ra sinh động, đa dạng và phong phú. Không thể nêu hết, chúng tôi chỉ dẫn một vài kết quả, phần nào hình dung về bức tranh tổng thể nhiều sắc màu.

Những mảng màu tươi sáng

Năm 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng vận động hỗ trợ cho ít nhất 3.415 hộ nghèo, cận nghèo; trong đó hơn 2.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 68,3 tỷ đồng. Nguồn lực tài chính này là kết quả chung tay hỗ trợ của các sở, ngành, tổ chức chính trị cấp tỉnh. Điều hay ở chỗ, không chỉ dừng lại đưa cho bà con “con cá” mà các tổ chức, đơn vị đồng thời trao “cần câu” đến từng hộ nghèo, hộ cận nghèo bằng việc hướng dẫn trực tiếp phương thức sinh kế cụ thể. Tính bền vững của giảm nghèo phải bằng cả hai chân trụ: vốn và năng lực.

Trong 10 tháng đầu năm 2023, Quỹ “Vì người nghèo” các cấp ở Lâm Đồng đã phân bổ hàng chục tỷ đồng xây dựng 102 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo là người cao tuổi, người khuyết tật, sửa chữa 24 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh cho những trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo; tặng học bổng cho học sinh nghèo; hỗ trợ phương tiện sản xuất giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, từng bước thoát nghèo… Từ năm 2019 đến tháng 6/2023, Quỹ “Vì người nghèo” đã tiếp nhận trên 176 tỷ đồng, phân bổ hỗ trợ xây dựng mới 1.573 và sửa chữa 438 căn nhà Đại đoàn kết; hỗ trợ sinh kế cho 1.257 hộ nghèo với số tiền 18,5 tỷ đồng…

Sức mạnh trong thực hiện giảm nghèo bền vững của Mặt trận là các tổ chức hội đoàn thể, hội nghề nghiệp…Đầu năm 2023, trong đó 6.636 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh, hội viên phụ nữ nghèo chiếm 63,71%, phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm 56,4%, hộ nghèo do nữ làm chủ chiếm 44% (thể hiện chế độ mẫu hệ của các dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên). Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ đăng ký giúp đỡ 3.805 hộ nghèo có địa chỉ, triển khai theo nhiều hình thức nhằm mục đích phát triển kinh tế gia đình như: hỗ trợ phương tiện sinh kế; các phong trào tương thân, tương ái thực hành tiết kiệm…Các cấp Hội đã vận động trên 2 tỷ đồng; 83 chỉ vàng; hơn 14.500 cây và con giống; gần 6 tấn lúa, gạo; gần 6.300 ngày công lao động giúp cho 1.086 chị có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống…

Bà con dân tộc K’Ho xã Đinh Lạc, huyện Di Linh phát huy nghề đan lát truyền thống xây dựng tổ hợp tác cùng nhau nâng cao thu nhập ổn định

Cũng nhằm đích đến là đầu tư phát triển sản xuất, cuộc sống dần đi vào, các cấp Hội Nông dân, từ năm 2018-2023, đã vận động trên 33,5 tỷ đồng, trên 61.300 công lao động, hơn 13.800 con giống, trên một triệu cây giống; 10 tấn lương thực; giúp đỡ trên 3.400 hộ nông dân có hoàn cảnh khó khăn.

Hội Cựu chiến binh Lâm Đồng có trên 28.000 hội viên. Đến nay, đã trên 14.200 gia đình hội viên có cuộc sống khá, giàu, chiếm hơn 54%; chỉ còn 210 hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều. Ngoài thành lập các câu lạc bộ doanh nhân làm kinh tế, Hội phát triển 23 hợp tác xã, 207 doanh nghiệp, 577 trang trại… Các mô hình đã tạo chuỗi liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao cho thu nhập khá. Các cấp hội đóng góp gần 7.500 ngày công lao động; góp tiền, vật chất hơn 6 tỷ đồng; hỗ trợ trên 8,5 tỷ đồng xây dựng 122 nhà Nghĩa tình đồng đội; trích  gần 46 tỷ đồng từ nguồn quỹ giúp hơn 2.760 hội viên vay vốn sản xuất…Tỷ lệ hộ nghèo cựu chiến binh từ 1,12% năm 2018 nay còn 0,56%; tỷ lệ khá, giàu chiếm hơn 57%…

Được hỗ trợ từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nhiều nông dân đã phát triển mô hình chăn nuôi theo khoa học để thoát nghèo bền vững

Kết quả mới nhất về giải ngân thực hiện các dự án, tiểu dự án Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở Lâm Đồng như sau: 2.401 triệu đồng đối với dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; 1.528 triệu đồng về Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; 214 triệu đồng về Cải thiện dinh dưỡng và 5.200 triệu đồng về Hỗ trợ việc làm bền vững,…

Nhiều gương sáng điển hình

Trong bức tranh nhiều gam màu sáng và ấm về giảm nghèo bền vững ở tỉnh Lâm Đồng, chúng tôi đã đến thị sát tại nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Rất rất nhiều gương sáng vươn lên từ khó khăn để gia đình có cuộc sống kinh tế khá giả. Và càng đặc biệt, họ đã lan tỏa năng lượng tích cực trong cộng đồng, cùng nhau học hỏi vươn lên.

Đó là bí thư chi bộ thôn K’Tiến và trưởng thôn Ka Du ở thôn Đạ Nhar, xã Quốc Oai, huyện Đạ Tẻh. Đây là hai hạt nhân, vừa tuyên truyền vừa là tấm gương vươn lên cải thiện cuộc sống bằng trồng dâu nuôi tằm, chuyển đổi cây trồng…để thôn này với gần 100% hộ dân tộc Mạ cùng nghe, cùng làm theo. Nhờ vậy, giá trị sản phẩm nông nghiệp bình quân/1ha canh tác tại xã đạt 75-80 triệu đồng; thu nhập bình quân đầu người/năm từ 48-52 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%, trong đó dân tộc thiểu số dưới 5%; trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng dưới 8%…

Các cô gái K’Ho ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh tiên phong thành lập Tổ hợp tác Oh mi Kơho Cà phê đang hoàn tất hồ sơ sản phẩm VietGAP và OCOP

Còn ở Gia Bắc, huyện Di Linh, một xã về đích nông thôn mới cuối cùng của huyện, những hộ dân tộc K’Ho tiên phong áp dụng khoa học kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp. Điển hình vợ chồng anh Hà Rung Dũng và chị Ka Mhiêm, gia đình trồng xen giữa cà phê và bơ. Thu nhập trung bình hàng năm hàng trăm triệu đồng, xây nhà, mua máy cày, khoan giếng, nuôi 4 người con tốt nghiệp đại học, cao đẳng. Anh Hà Rung Dũng nói: “Tôi tham khảo kiến thức từ Trung tâm Nông nghiệp huyện rồi chọn giống có kiểm nghiệm từ cơ quan chức năng và phải phù hợp với địa hình theo khuyến cáo. Muốn đạt năng suất phải phân bón đầy đủ và phân chuồng là tốt nhất, chăm sóc đúng thời kỳ…Khó khăn là nhận thức một số bà con không dám chuyển đổi cây trồng do tập tục, mặc dù họ có điều kiện. Phải mạnh dạn, kiên quyết thì dần dần mới có”.

Từ bàn tay trắng, vợ chồng cựu chiến binh người dân tộc thiểu số xã Phước Lộc, huyện Đạ Hoai trở thành nông dân điển hình và uy tín trong phát triển kinh tế

Tại xã Phước Lộc, huyện Đạ Hoai, vợ chồng cựu chiến binh Ka Hiên và K’Nôm đi đầu việc chuyển đổi cây trồng, trong đó tập trung phát triển vườn sầu riêng. Từ hai bàn tay trắng hiện mỗi năm gia đình thu hàng tỷ đồng từ sầu siêng, chè, chôm chôm, mít. Gương làm giàu của anh chị đã thuyết phục được bà con trong xã học tập và đưa xã Phước Lộc với trên 80% đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên thoát khỏi “xã đặc biệt khó khăn”, có mức giảm nghèo sâu nhất huyện (8,1%) và về đích nông thôn mới. Chị Ka Hiên được chọn tham dự Hội nghị toàn quốc về người dân tộc thiểu số uy tín tiêu biểu và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X …  

Bài 3: Hạnh phúc đong đầy từ nền nông nghiệp xanh

Minh Đạo